Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lạc vào 'xứ sở xanh thần tiên' ở rừng tràm Trà Sư, An Giang

(VTC News) -

Không giống như bao khu rừng tràm khác, Trà Sư mang trong mình vẻ đẹp huyền bí, độc đáo.

Trà Sư là rừng tràm và khu du lịch sinh thái được hình thành năm 1983, rộng gần 850 ha nằm ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên. Đây là rừng ngập nước tiêu biểu của vùng sông Hậu, có tác dụng quan trọng đối với môi trường nước và điều hòa khi hậu cho cả vùng Bảy Núi. Rừng còn là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.

Đến đây, điều dễ nhận thấy nhất là du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, không chỉ bị thu hút bởi không gian xanh với rừng tràm rợp bóng, mà còn được tiếp xúc gần với hàng loạt loài chim, hay động vật hoang dã quý hiếm. Đây là nơi được phát triển để trở thành khu bảo tồn của rất nhiều lớp sinh vật nhiệt đới đang sinh sống ở vùng Tây Nam Bộ.

Rừng tràm Trà Sư nhìn từ trên cao. (Ảnh: Trasu Tourist Area)

Người địa phương sẽ dùng thuyền để đưa du khách vào sâu trong rừng tràm. Ngồi trên thuyền, bạn sẽ bắt gặp những chú chim đậu ngay thân cây, nhiều loại sen đủ sắc màu. Nếu thích, du khách thể yêu cầu người lái thuyền dừng lại để cảm nhận rõ không gian tĩnh lặng và ghi dấu những khoảnh khắc của thiên nhiên.

Rừng tràm Trà Sư là bối cảnh cho bộ phim Đất rừng Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khởi chiếu tại Việt Nam.

Nên đi du lịch rừng tràm Trà Sư khi nào?

Thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 - mùa nước nổi là thời điểm đẹp nhất để các du khách ghé thăm rừng tràm Trà Sư. Đứng trước khung cảnh nơi đây, bạn như chìm vào sắc xanh của cây cỏ, thiên nhiên và vô vàn sắc màu khác của động vật nơi đây.

Thời gian hoàn hảo để bạn “sống ảo” tại đây chính là từ 7 đến 9 giờ sáng, khi ánh mặt trời bao phủ rừng tràm, vạn vật nơi đây thức giấc làm cho “viên ngọc” Trà Sư lung linh hơn bao giờ hết. Sau đó, từ 17 đến 18 giờ chiều khi hoàng hôn buông xuống, bạn có thể đi lên đài quan sát ngắm nhìn từng đàn chim bay trở về tổ, khép lại một ngày bình dị chốn rừng cây.

(Ảnh: Trasu Tourist Area)

Di chuyển

Hãy dành một ngày ở rừng tràm Trà Sư để tận hưởng hết các không gian trong rừng, ăn bữa trưa với các món đặc sản miền Tây.

Để thuận tiện di chuyển, du khách nên nghỉ đêm ở thành phố Châu Đốc, khởi hành đi rừng tràm vào buổi sáng, ở lại đến chiều. Rừng tràm Trà Sư nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 30 km, thời gian di chuyển 30 đến 40 phút bằng ôtô hoặc xe máy, đường đi thuận tiện.

Thời điểm tốt nhất trong ngày để khám phá rừng tràm là vào sáng sớm hoặc hoàng hôn. Khoảng 15-17h, các loại chim, cò tụ tập về rừng nhiều, tạo nên cảnh thiên nhiên đẹp.

Vé tham quan

Vé tham quan bao gồm toàn bộ khu rừng tràm và thưởng ngoạn cầu tre dài nhất Việt Nam: 100.000 đồng một người. Đây là vé bắt buộc vào rừng, miễn phí với trẻ em dưới 1m3 và người trên 70 tuổi.

Vé dịch vụ tàu (xuồng máy): 50.000 đồng một người

Vé dịch vụ xuồng chèo (3-4 người một xuồng): 50.000 đồng một người

Các tour và nhóm đối tác sẽ có mức giá ưu đãi riêng, liên hệ trước với khu du lịch.

Trà Sư có địa điểm check-in nào?

Cầu Kiều

Cầu Kiều - chiếc cầu bắc sang bờ bên thay vì di chuyển bằng thuyền. Cây cầu gỗ được thiết kế độc đáo, vật liệu được làm tỉ mỉ, là địa điểm lý tưởng để các “phó nháy” tác nghiệp tạo nên các bộ ảnh check-in đầy lung linh.

Cầu tre vạn bước

Cầu tre vạn bước - cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam là một trong những công trình nhân tạo tuyệt đẹp. Cầu được xây dựng từ tất cả các loại tre Việt Nam ở mọi miền đất nước. Nhà đầu tư đã đặt rất nhiều tâm huyết để xây dựng công trình đạt kỷ lục Guiness “cầu tre vạn bước” xuyên rừng tràm Trà Sư phục vụ du khách tham quan.

Tháp quan sát Rừng Tràm Trà Sư

Tháp quan sát Rừng Tràm Trà Sư - nơi bạn có thể tạo dáng trước khung cảnh nên thơ. Từ vị trí này, bạn có thể quan sát hình ảnh thu nhỏ của các ngôi làng, nơi người dân sinh sống, hay thậm chí là tận mắt nhìn thấy hình ảnh các loài chim đa sắc màu, đa chủng loại đang ríu rít trên cành cây.

Cây cầu tình yêu

Cây cầu tình yêu trong rừng có chiều dài hàng trăm mét. Chúng len lỏi giữa khu rừng tĩnh lặng, xanh ngát và chiếc cầu nối độc đáo trong lòng “viên ngọc” Rừng tràm Trà Sư.

Ăn gì

Nhà hàng Trà Sư có hai khu vực chính phục vụ ăn uống: dọc bên ngoài cửa rừng, hai bên bến tàu và khu chòi nổi trên mặt nước phía trong rừng (liền lầu vọng cảnh). Tại các điểm ăn uống này, du khách sẽ được thưởng thức các món đặc sản miền Tây như: cá lóc nướng, lẩu cá linh điên điển (mùa nước nổi cũng là mùa cá), lẩu mắm, gỏi cổ hũ dừa, bánh xèo...

THẢO NGUYÊN (Tổng hợp)

Tin mới