Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lạc vào ‘xứ sở’ 2.000 tượng voi cổ độc nhất Đắk Lắk

(VTC News) -

Dành hơn 10 năm sưu tầm, đến nay anh Võ Minh Luân sở hữu hơn 2.000 tượng với khoảng 200 mẫu voi khác nhau, tạo nên khu trưng bày hiện vật cổ ấn tượng.

Video: Lạc vào ‘xứ sở’ 2.000 tượng voi cổ độc nhất Đắk Lắk

 

Năm 2013, anh Luân bắt đầu sưu tầm hiện vật Tây Nguyên như: Chóe; dụng cụ lao động truyền thống; tranh, sách viết về văn hóa Tây Nguyên…

Mỗi món đồ anh thường sưu tầm đa dạng và sắp xếp thành bộ sưu tập. Hơn 10 năm sưu tầm, anh Luân sở hữu hàng nghìn hiện vật khác nhau, trong đó phải kể đến "Xử sở voi".

"Xứ sở voi" được anh Luân trưng bày trong khu vườn nhỏ nằm tại buôn Đung, xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). 

Bộ sưu tập gồm trên 2.000 tượng voi với 500 mẫu khác nhau làm từ các chất liệu khác nhau: Gốm, sứ, kim loại, gỗ… thuộc các dòng gốm Chu Đậu, Thổ Hà, Bát Tràng, Biên Hòa, Lái Thiêu, Thành Lễ, Bình Dương… “Trong các dòng gốm tôi thích gốm Nam bộ, đặc biệt là gốm Biên Hòa có chủ đề Tây Nguyên, chủ đề voi. Các hiện vật đến với tôi cũng rất ngẫu nhiên, cứ như “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, có những hiện vật tôi tìm kiếm nhiều năm, cuối cùng lại được các nhà sưu tầm lớn chia sẻ”, anh Luân tâm sự.

Anh Luân kể, để có số hiện vật cổ xưa chủ đề con voi này, anh phải mất 10 năm sưu tầm từ nhiều nơi. Hồi đầu chưa hiểu gì về cổ vật, vợ chồng anh rủ nhau đi dạo các chợ đồ cổ, mua một số hiện vật về trưng trong nhà cho đỡ trống trải. Càng đi càng mê, anh bắt đầu tìm hiểu sưu tầm cổ vật, trong đó có tượng voi, cổ vật có hình voi.

“Thấy tôi đam mê sưu tầm hiện vật cổ xưa, đặc biệt là hiện vật có liên quan đến văn hóa Tây Nguyên, rất nhiều nhà sưu tầm, người chơi cổ vật và cả người dân ở nhiều địa phương chia sẻ hiện vật cho tôi lưu giữ”, anh Luân chia sẻ.

"Tôi đặt tên nơi này là "Xứ sở voi" vì mong muốn rằng, đây sẽ là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản về voi của vùng đất Tây Nguyên nói chung cũng như các hiện vật voi cổ xưa của đất nước Việt Nam. Qua đó, góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ voi tự nhiên và đàn voi nhà đang ngày càng giảm dần về số lượng”, anh Luân tâm sự.

 

Không chỉ sưu tầm hiện vật hình tượng voi trên gốm sứ, anh Luân còn sưu tầm các cuốn sách nói về voi.

 

Sưu tầm, gìn giữ các hiện vật về voi, anh Luân mong muốn góp phần nhỏ của mình trong công tác bảo tồn voi của tỉnh nhà.

Đến nay, anh Võ Minh Luân vẫn tiếp tục sưu tầm thêm nhiều hiện vật văn hóa Tây Nguyên. Anh cũng tâm huyết biến "Xứ sở voi" trở thành điểm tham quan du lịch, để lan tỏa tình yêu với voi, giúp du khách có cơ hội tìm hiểu về biểu tượng văn hóa Tây Nguyên.

HIỀN MAI

Tin mới