Để biết được lá tía tô nấu với gừng có tác dụng gì trước tiên chúng ta cần tìm hiểu về tác dụng của từng loại dược liệu này.
Tía tô có tác dụng gì?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời Lương y Trần Đăng Tài - Phó Chủ tịch Hội Đông y thị xã Thái Hoà - Nghệ An cho biết, tía tô còn gọi là tử tô, tô diệp, tử tô tử, tô ngạnh. Tên khoa học của tía tô là Perilla ocymoi, thuộc họ hoa môi (Labiatae). Tía tô được trồng ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, người dân dùng tía tô như loại gia vị và làm thuốc.
Theo tài liệu cổ tía tô có vị cay, tính ôn, vào hai kinh phế và tỳ. Tía tô có tác dụng phát tán phong hàn, lý khí khoan hung, giải uất, hóa đờm, an thai giải độc của cua cá. Thông thường dùng lá tía tô (tô diệp) giúp làm cho ra mồ hôi, chữa ho, giúp sự tiêu hoá, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo. Chúng còn giúp chữa bị ngộ độc nôn mửa, đau bụng do ăn cá cua.
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời TS.BSCKII Trần Ngọc Quế - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Quảng Bình nêu những tác dụng của nước lá tía tô như sau:
- Thúc đẩy tuần hoàn và trao đổi chất: Uống nước lá tía tô thường xuyên có thể thúc đẩy hiệu quả hoạt động của khí, huyết, điều hòa công năng tạng phủ trong cơ thể; làm tăng nhu cầu trao đổi nước nội môi của tế bào, cải thiện chu trình trao đổi chất, thúc đẩy quá trình bài tiết các chất căn bã trong cơ thể ra ngoài.
- Tốt cho hệ tiêu hóa: Uống nước lá tía tô hoặc ăn sống đúng cách có tác dụng bồi bổ cơ thể, cải thiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa rất hiệu quả. Chất xơ trong tía tô cũng rất phong phú nên rất thích hợp với những người hay bị khó tiêu hoặc chức năng tiêu hóa yếu. Ăn tía tô vào các ngày trong tuần còn có tác dụng thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, giảm táo bón.
- Bổ sung chất dinh dưỡng: Lá tía tô rất giàu vitamin, các khoáng chất và nguyên tố vi lượng, tác dụng bồi bổ cơ thể sinh lý tốt hơn, đồng thời giúp ích rất nhiều cho việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng hay thiếu chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, các chất dinh dưỡng trong tía tô tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch và mạch máu não của con người, cải thiện trí nhớ và duy trì thị lực khỏe mạnh.
- Tác dụng thanh nhiệt: Lá tía tô tác dụng giải phong hàn (chữa các bệnh cảm mạo), rét nóng trong người, ho, chữa ngực sườn đầy tức, đầy bụng, đị lỏng, đau nhức đầu, đau mẩy mẩy.
Lá tía tô nấu với gừng có tác dụng gì là băn khoăn của nhiều người.
Gừng có tác dụng gì?
Kinh nghiệm dân gian cho thấy, gừng là phương thuốc thảo dược cổ xưa được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý thông thường như viêm khớp, ho, cảm lạnh, cảm cúm, đau dạ dày, đau bụng kinh và buồn nôn. Nó không chỉ giúp làm tăng hương vị cho các món ăn mà còn có thể cải thiện khả năng miễn dịch của bạn.
Thêm gừng vào thực phẩm hàng ngày của bạn sẽ không bao giờ là sự thất vọng khi giúp ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường khả năng miễn dịch và duy trì sức khỏe tổng thể.
Báo Thanh Niễn dẫn lời Ths.BS Nguyễn Thị Quý; Ths..BS Trần Thu Nga, Phòng khám Da - Thẩm mỹ y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3 cho biết, chiết xuất gừng được chứng minh là ức chế elastase, nguồn gốc từ nguyên bào sợi (là nguyên nhân góp phần hình thành các nếp nhăn), được báo cáo là có thể ngăn ngừa sự mất độ đàn hồi của da do tia UV-B gây ra.
Trong một nghiên cứu khác, việc giảm các dấu hiệu lão hóa da đã được quan sát thấy ở những người sử dụng kem dưỡng thể dầu gừng trong 4 tuần, có thể là do hoạt động chống oxy hóa của cây.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng gừng và các thành phần hoạt tính sinh học của gừng có hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm và kháng vi rút. Các nghiên cứu từ lâu cũng nêu rằng gừng và các hợp chất hoạt tính khác nhau của nó có hoạt tính chống viêm.
Hoạt tính chống viêm của chiết xuất gừng được phát hiện là lớn hơn đáng kể so với diclofenac ở cùng nồng độ. Tương tự như hành và tỏi, chất chiết xuất từ gừng có thể ức chế quá trình đông máu trong ống. Gừng ít tác dụng phụ và chỉ có các tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo bao gồm chứng ợ nóng và tiêu chảy.
Lá tía tô nấu với gừng tác dụng gì?
Theo Th.S-BS Nguyễn Thị Quý, lá tía tô và gừng khi sử dụng có thể cải thiện tình trạng viêm nhiễm cũng như chống lão hóa da. Tuy nhiên hiện tại chưa có nghiên cứu nào trên con người về động học của gừng và các thành phần của nó cũng như tác động của việc tiêu thụ trong một thời gian dài.
Liều dùng tía tô thích hợp phụ thuộc vào một số yếu tố như tuổi tác, sức khỏe và một số bệnh lý nền của người dùng. Các nghiên cứu đều sử dụng chiết xuất lá tía tô, không sử dụng lá tươi do đó tại thời điểm này, không có đủ thông tin khoa học để xác định một phạm vi liều lượng thích hợp cho tía tô. Nên việc sử dụng nước gừng và tía tô để uống hằng ngày là chưa có bằng chứng khoa học và không có khuyến cáo cụ thể.
Theo BS Quý và BS Nga, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn trước khi dùng bất cứ thuốc gì, kể cả là thảo dược. Tránh tình trạng bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng thuốc kéo dài, tích luỹ liều độc gây hại cho cơ thể. Ngoài ra, việc sử dụng các thuốc thảo dược phải phù hợp với thể bệnh, mỗi cơ địa sẽ khác nhau, không nên nghe theo những quan niệm dân gian để sử dụng cho bản thân khi chưa có khuyến cáo từ thầy thuốc.