Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lá mít có tác dụng gì?

(VTC News) -

Theo Đông y toàn bộ cây mít đều có tác dụng chữa bệnh, vậy lá mít có tác dụng gì?

Mít là cây ăn quả quý của vùng nhiệt đới. Nhiều bộ phận của cây mít được dùng làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian. Vậy, lá mít có tác dụng gì?

Tổng quan về cây mít

Bài viết của Bác sĩ Nguyễn Thủy trên Báo Sức khỏe & Đời sống nêu, cây mít được trồng phổ biến khắp nước ta, có nhiều loại như mít mật, mít dai, miền Nam còn loại mít tố nữ. Ngoài giá trị dinh dưỡng, nhiều bộ phận của cây mít còn là vị thuốc.

Về giá trị dinh dưỡng, thịt múi mít chín chứa protein 0,6 - 1,5% (tùy loại mít), glucid 11 - 14% (bao gồm nhiều đường đơn như fructos, glucos, cơ thể dễ hấp thụ), caroten, vitamin C, B2… và các chất khoáng như sắt, canxi, phospho. Hạt mít có thể phơi khô làm lương thực dự trữ, chứa tới 70% tinh bột, 5,2% protein, 0,62% lipid, 1,4% các chất khoáng. Lá mít dày, hình bầu dục, dài 7 - 15cm.

Theo y học cổ truyền toàn bộ cây mít đều sử dụng chữa bệnh. Quả xanh chát làm săn da. Quả chín với các múi mít có vị ngọt, tính ấm, tác dụng chỉ khát, trợ phế khí, trừ chứng âm nhiệt. Hạt mít vị ngọt, tính bình, mùi thơm, tác dụng tu dưỡng ích khí, thông sữa. Nhựa vị nhạt, tính bình, tác dụng tán kết tiêu thũng, giải độc, giảm đau. Lá mít cũng có tác dụng tốt với sức khỏe.

Lá mít có tác dụng gì là băn khoăn của nhiều người.

Lá mít có tác dụng gì?

Bài viết của dược sĩ Đức Huy trên Báo Nhân dẫn chỉ ra, nhiều bộ phận của cây mít được dùng làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian.

- Lá mít: Lấy lá già 20-30g (lá mít mật tốt hơn) thái nhỏ, sao vàng, nấu nước uống, chữa đái ra cặn trắng ở trẻ em. Lá non rửa sạch, nhai nuốt nước dần dần, bỏ bã chữa hóc xương. Lá mít phối hợp với lá mía, than tre với lượng bằng nhau, sắc uống chữa hen suyễn; với rễ cây đa lông, mã đề, rễ cỏ tranh, râu mèo hoặc râu ngô (lượng bằng nhau), sắc uống chữa sỏi thận.

Dùng ngoài, lá mít tươi giã đắp mụn nhọt làm giảm sưng đau hoặc lá phơi khô, nấu thành cao mềm bôi chữa lở loét.

Một số bài thuốc khác từ lá mít của Bác sĩ Nguyễn Thủy trên Báo Sức khỏe & Đời sống được đăng trên Báo Sức khỏe & Đời sống:

Bài 1: Lấy khoảng 40g lá mít tươi, rửa sạch giã nát, đắp lên mụn nhọt đang sưng, sẽ làm giảm sưng đau.

Bài 2: Sản phụ sau khi sinh nếu ít sữa: Dùng lá mít tươi (30 - 40g/ngày) nấu nước uống giúp tiết ra sữa hoặc tăng tiết sữa. Có thể lấy quả mít non gọt vỏ gai, thái lát, đem xào với thịt lợn nạc, nêm thêm gia vị, dùng ăn với cơm. Bài thuốc có tác dụng bổ tỳ, hòa can, tăng và thông sữa, thích hợp cho phụ nữ sau sinh bị ốm yếu, ăn kém, ít sữa. Mỗi liệu trình 3 -5 ngày.

Bài 3: Chữa ăn không tiêu, rối loạn tiêu hóa do ăn thức ăn sống lạnh. Lá mít 20g sao vàng sắc với 550ml khi sôi cho nhỏ lửa còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày. Có thể phối hợp với Nam mộc hương 12g, ngày uống 2 lần, mỗi lần 30 - 50ml.

Bài 4: Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Lá và vỏ mít, mỗi thứ 20g sắc với 550ml khi sôi cho nhỏ lửa còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày.

Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có câu trả lời cho vấn đề "Lá mít có tác dụng gì?" rồi phải không.

Thanh Thanh (Tổng hợp)

Tin mới