Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Làm gì để trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn an toàn?

(VTC News) -

Thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng thăng hoa, nhưng sự phát triển quá "nóng" đang mang đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng. Phát hành trái phiếu sẽ giúp doanh nghiệp đa dạng hình thức huy động vốn, giảm phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại. 

Tuy nhiên thời gian vừa qua, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp có những vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thị trường trái phiếu phát triển mạnh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo ông Nhan Ngọc Lê, nguyên Chiến lược gia bộ phận Lãi suất và Tiền tệ Công ty Chứng khoán Morgan Stanley MUFG (Nhật Bản), thực trạng của thị trường trái phiếu của Việt Nam hiện nay như là cái chân lung lay của một cái kiềng.

Sự bùng nổ về số lượng trái phiếu phát hành trong vài năm gần đây cho thấy những “sáng tạo” không lành mạnh. Nhiều trái phiếu thực chất là công cụ để doanh nghiệp và tổ chức tín dụng biến tướng các khoản tín dụng hoặc chuyển rủi ro sang nhà đầu tư trái phiếu.

Ví dụ, doanh nghiệp mẹ cần đảo nợ hoặc không đủ điều kiện tín dụng thì lấy doanh nghiệp con phát hành trái phiếu. Ngân hàng hết hạn mức cho vay trung và dài hạn thì chuyển trái phiếu sang cho công ty chứng khoán trực thuộc nắm giữ hoặc bán lại trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân, tổ chức hay các quỹ đầu tư. Nếu có một sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư thì quả thật không có quy định nào là khó “lách”.

Mặt khác, đối với các nhà đầu tư ngoài khối này, họ thường được doanh nghiệp phát hành hay tổ chức tài chính đưa ra nhiều hứa hẹn và cam kết khi mua trái phiếu. Tuy nhiên nếu xét kỹ thì rất nhiều cam kết là hữu danh mà ít thực như bảo lãnh thanh toán giữa công ty mẹ và con, cam kết mua lại của đơn vị phân phối cho nhà đầu tư thứ cấp... Tài sản đảm bảo của trái phiếu trong nhiều trường hợp là cổ phiếu, dự án, tài sản hình thành trong tương lai cũng chỉ mang nặng tính hình thức vì rất khó định giá hoặc giá trị biến thiên quá lớn. Qua một ma trận những cam kết hữu danh mà ít thực như thế trái chủ sẽ rất khó nhận ra những rủi ro mình phải gánh chịu khi đầu tư vào những sản phẩm này.

Những sản phẩm tài chính được ra đời bởi sự “sáng tạo” nhằm “lách” những quy định về an toàn tài chính của nhà chức trách luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường cho toàn bộ hệ thống tài chính.

Lành mạnh hóa bằng cách nào?

Sau khi Ủy ban chứng khoán nhà nước quyết định hủy 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh, kéo theo trong tháng 4 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu, câu hỏi được nhiều người đặt ra là cần làm gì để lành mạnh hóa thị trường, giúp trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định đúng với bản chất là kênh an toàn đối với nhà đầu tư.

Theo nhiều chuyên gia, cần có biện pháp mạnh hơn để kiểm soát chất lượng hàng hóa của người bán lẫn người mua. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mới đây nêu ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa nghị định 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Theo ông Phớc, khi Luật chứng khoán và nghị định 153 ra đời, chúng ta rất muốn tiếp cận với điều kiện thế giới nhưng sau đó các văn bản này lại thể hiện "lỗ hổng", dẫn tới những vi phạm trong thực tế. 

Tuy vậy, việc “siết chặt” thị trường cũng nên cẩn trọng, kiểm soát là cần thiết nhưng không thể kìm hãm thị trường phát triển. Sau những vụ việc “lùm xùm” trên thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chuyển từ thái cực quá mở sang thái cực quản lý chặt chẽ. Như thế là chưa hợp lý với nguyên tắc thị trường. “Nếu cứ tiếp tục như vậy, Việt Nam sẽ khó có được một thị trường trái phiếu lành mạnh, không đạt đến mục tiêu 20% GDP”, TS. Phạm Xuân Hoè - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại một tọa đàm ngày 19/5.

Để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, an toàn, các chuyên gia khuyến nghị cần sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc bao gồm rà soát, đánh giá rủi ro từ hoạt động cung cấp dịch vụ và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đồng thời, cần củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nhưng cũng phù hợp, sát gần doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường, đề cao vai trò tiền kiểm.

Mới đây, Thủ tướng cũng có có công điện về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, để bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn, phát triển bền vững, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, các hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành; chủ động rà soát khung khổ pháp luật, xây dựng các kịch bản ứng phó gắn với việc triển khai quyết liệt các giải pháp ổn định, phát triển thị trưởng và ổn định tâm lý nhà đầu tư; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời cung cấp các thông tin chính thống về tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường vốn; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, công bố thông tin và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Lúc 14h ngày 27/5, VTC News tổ chức tọa đàm "Để trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn an toàn" nhằm tìm giải pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Viện chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp.

Nội dung tọa đàm xoay quanh việc phân tích những tiềm năng, cơ hội để doanh nghiệp phát triển trái phiếu theo hướng bền vững, đảm bảo quyền lợi và an toàn cho nhà đầu tư

Các chuyên gia cũng cùng thảo luận về những chủ trương, chính sách của Nhà nước để tạo lập một thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, an toàn và phân bổ hiệu quả cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Từ đó chỉ ra giải pháp đồng bộ để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư...

Công Hiếu

Tin mới