Bilahari Kausikan - cựu quan chức Bộ Ngoại giao Singapore có nhận định, ông Biden sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc gánh vác di sản đối ngoại của ông Donald Trump và muốn tái hồi chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama.
Theo ông Bilahari Kausikan, chính sách đối ngoại Mỹ sẽ không tự trở lại trạng thái ban đầu khi ông Biden trở thành tân Tổng thống Mỹ bởi không nên lý tưởng hóa các chính sách trước thời Tổng thống Trump.
Di sản Obama
Khi còn là nhà lãnh đạo nước Mỹ, ông Obama thường xuyên nói về việc xoay trục sang châu Á. Ông dành thời gian tới tham dự các cuộc họp ASEAN. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, hay TPP cũng được đánh giá là một thành tựu đáng kể.
Nhưng Kausikan cho rằng ông Obama thường đưa ra tuyên bố hứa hẹn nhưng lại thiếu đi quyết tâm thực thi quyền lực.
"Quan hệ quốc tế không phải chỉ là về quyền lực mềm", ông Kausikan nhận định.
Tân Tổng thống Joe Biden. (Ảnh: Reuters)
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền Obama làm trung gian cho thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Manila - một đồng minh của Mỹ về vấn đề bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.
Khi Trung Quốc từ bỏ, Mỹ đã không làm gì.
Năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Nhưng Bắc Kinh lại nhanh chóng nuốt lời, gia tăng hàng loạt các hành vi gây hấn ở vùng biển này. Nhưng ngay cả khi Trung Quốc làm vậy, Mỹ cũng không có phản ứng mạnh mẽ.
Gọi đó là "sự kiên nhẫn chiến lược", ông Obama dường như không có động thái mạnh tay trong 8 năm khi Bình Nhưỡng thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình.
Và thậm chí với sự nỗ lực của Tổng thống Trump, giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hiện vẫn là một mơ ước xa vời.
Ở Syria, ông Obama ra lệnh rút quân nhưng không thực thi lằn ranh đỏ về việc quốc gia Trung Đông này sử dụng vũ khí hóa học. Khi đó, uy tín của Mỹ bị suy giảm ở nhiều nơi.
Theo ông Kausikan, quyết định rời bỏ TPP đột ngột của Tổng thống Trump chẳng khác nào gáo nước lạnh dội vào đồng minh và đối tác của Mỹ. Nhưng không phải mọi thứ ông Trump làm đều sai.
Vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ hiểu quyền lực dù cách hiểu đó có đôi chút bản năng. Ông sử dụng nó không được khéo léo và đôi khi thiếu mạch lạc.
"Nhưng khi quyết định không kích Syria trong lúc dùng bữa tối với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Trump đã làm được rất nhiều để khôi phục uy tín sức mạnh cho nước Mỹ", ông Kausikan nhận định.
Năm 2017, Triều Tiên phóng tên lửa bay qua Nhật Bản, gửi đi thông điệp răn đe Guam. Đáp trả, ông Trump khẳng định Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với 'lửa và giận dữ' chưa từng có.
Sau đó, tên lửa trong các vụ thử nghiệm tiếp theo của Triều Tiên đều không tiến quá gần tới lãnh thổ Mỹ.
Mỹ dưới thời của ông Trump tỏ ra hết sức kiên quyết trước các yêu sách ngày càng ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông trao quyền cho Hạm đội 7 tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, thách thức Bắc Kinh.
Ngược lại trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Obama, các hoạt động này gây ra các cuộc tranh luận ồn ào giữa Lầu Năm Góc và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Điều này làm suy yếu tác dụng của chúng.
Theo Kausikan, nếu Biden thắng, ông sẽ mang toàn bộ hành lý của chính quyền Obama tới Nhà Trắng. Cựu Phó Tổng thống Mỹ không thể chối bỏ mọi trách nhiệm về những gì đã diễn ra dưới thời ông Obama.
Ngoại giao cải thiện, đối nội "rời rạc"?
Là một thành viên lâu năm của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, hiển nhiên ông Biden hiểu rất rõ về ngoại giao. Ông sẽ không chuyển hướng sang Trung Quốc hoặc thương mại. Nhưng các chính sách sẽ được thi hành một cách có trật tự và cân nhắc nhiều tới các yếu tố đồng minh hơn dưới thời Trump.
Nhờ đó, bầu không khí ngoại giao của Mỹ sẽ được cải thiện.
Ông Kausikan tin rằng các ưu tiên của ông Biden sẽ là các vấn đề nội bộ trong nước. Trước hết là đối phó với dịch bệnh. Sau là việc bổ nhiệm các nhân vật quan trọng như Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng và cố vấn An ninh Quốc gia.
Tiếp quản một Nhà Trắng thay máu nhiều lần dưới thời Trump, ông Biden sẽ tiến vào tòa Bạch Ốc với rất nhiều nhiệm vụ nặng nề. Ông phải cân bằng các chương trình nghị sự khác nhau của phe tiến bộ và truyền thống của Đảng Dân chủ.
Những cái tên được bổ nhiệm vào bộ máy mới cũng có thể sẽ có những quan điểm khác biệt. Chính sách đối ngoại và đối nội cũng sẽ có những thay đổi.
Ông Kausikan cho rằng không loại trừ khả năng chính quyền của Biden cuối cùng sẽ "rời rạc" như chính quyền tiền nhiệm.