Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ký ức tháng 7 với Vị Xuyên, Hà Giang - cơ duyên từ một cuốn sách

Thạc sỹ Trần Trung Hiếu kể lại hành trình về với Vị Xuyên cơ duyên của cuốn sách “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) - Góc nhìn báo chí”.

Là một giáo viên dạy sử phổ thông, tôi đã trăn trở nhiều khi dạy cho học sinh kiến thức về các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc bùng nổ cách đây tròn 40 năm và kết thúc đã 30 năm nhưng vì nhiều lý do kiến thức của cuộc chiến này trong một thời gian khá dài chỉ được đề cập khá mờ nhạt trên nhiều phương tiện truyền thông chính thống cũng như trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành.

Thạc sỹ Trần Trung Hiếu - Giáo viên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) phát biểu tại lễ ra mắt sách “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) - Góc nhìn báo chí”.

Tôi suy nghĩ nhiều và nỗi trăn trở đó không chỉ có ở các giáo viên dạy Sử mà còn là sự day dứt của các cựu chiến binh, thân nhân các gia đình thương binh liệt sỹ liên quan đến cuộc chiến tranh vệ quốc này.

Trong dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ (17/2/1979 – 17/2/2019), rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, truyền hình đăng tải và phát sóng nhiều bài viết, hình ảnh, thước phim về cuộc chiến.

Từ một status đề xuất trên facebook của tôi đã “thai nghén” cho ý tưởng ra đời một cuốn sách. Được sự giúp đỡ của “Tạp chí Môi trường và Đô thị” do TS. Luật sư Đồng Xuân Thụ làm Tổng Biên tập cùng một số nhà hảo tâm, các cựu chiến binh, chúng tôi đã sưu tầm và tuyển chọn một số trong rất nhiều bài viết đăng tải trên báo chí để xuất bản cuốn sách “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) - Góc nhìn báo chí”.

Ngày 19/6/2019, tại Hà Nội, chào mừng kỷ niệm Ngày báo chí Việt Nam (21/6/2019) và hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/2019) chúng tôi tổ chức họp báo ra đời cuốn sách với sự tham gia của nhiều tướng lĩnh công an, quân đội, nhiều nhà sử học và các cựu chiến binh tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Cuốn sách này chỉ là một vài nét chấm phá nhưng là một bước đột phá trong nhận thức và cách hành xử về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, một cách nhìn nhận da chiều, khách quan và tiệm cận gần đến một sự thật lịch sử.

Từ cuốn sách này và tại buổi họp báo ra mắt cuốn sách này, Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 356 mời tôi cùng anh chị em cựu chiến binh của sư đoàn tổ chức cuộc hành quân lên Vị Xuyên - Hà Giang vào ngày 10/7/2019. 

Trong cuộc đời làm nghề dạy học gắn bó như máu thịt môn Lịch sử, tôi luôn tâm niệm 2 mong ước là được một lần đến Vị Xuyên- Hà Giang và đảo Trường Sa, 2 địa danh gắn liền với quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo của dân tộc mà trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành không nhắc tới.

Cơ duyên lần đầu tiên được đến miền biên cương của Tổ quốc thật sự mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Hạnh phúc hơn khi được cùng ngồi trên xe ô tô từ Hà Nội lên Vị Xuyên, từ Vị Xuyên về Hà Nội cùng với các cựu chiến binh của Sư đoàn 356.

Được ngồi bên nhau trên cùng một chuyến xe trở lại chiến trường Vị Xuyên năm xưa, được nghe các cựu chiến binh của Sư đoàn 356 ôn lại những kỷ niệm mà sách báo và các phương tiện truyền thông chưa nói.

Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên - Hà Giang.

Vượt qua gần 300 km trên Quốc lộ 2 từ Hà Nội, xuôi ngược cùng dòng sông Lô trên một con đường quanh co uốn lượn, phong cảnh thật nên thơ và hữu tình. Chúng tôi đặt chân đến thành phố Hà Giang khi ánh dương đã khuất dần về phía Tây Côn Lĩnh. Trên xe ô tô phảng phất ca từ, nhạc điệu bài hát nổi tiếng “Hà Giang quê tôi” của nhạc sỹ Thanh Phúc.

Xúc động vô cùng khi dọc tuyến đường xuất phát từ Hà Nội lên Hà Giang ngày 10/7 dày đặc hàng trăm xe ô tô, xe khách đủ loại treo băng rôn màu đỏ chở hàng nghìn cựu chiến binh nối đuôi nhau tiến về Vị Xuyên. Cả thành phố Hà Giang mấy ngày trước và sau giỗ trận gần như được nhuộm một màu xanh áo lính.

Hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ, các quán nước ven đường của thành phố Hà Giang và Thị trấn Thanh Thủy - huyện Vị Xuyên đều quá tải vì các cựu chiến binh, đa số là cựu chiến binh từng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Rải rác rất nhiều tuyến phố, con đường của đô thị nhỏ bé chốn biên cương là các tốp với sắc phục của màu áo lính năm xưa. Hầu hết mái tóc đã hoa râm, bạc trắng. Họ là những đồng đội cũ, là vợ, anh chị em, con cháu các liệt sỹ cùng tự túc phương tiện, nơi ăn chốn nghỉ để cùng hành hương về các cao điểm 468, 772, 685, 211, Ngã ba Thanh Thủy, hang Làng Lò, hang Dơi, Thung lũng gọi hồn, đồi Cô Ích, Cửa khẩu Thanh Thủy...

Nơi tập trung nhiều nhất là Nghĩa trang Vị Xuyên để cùng tham dự lễ cầu siêu cho các liệt sỹ được tổ chức tại nghĩa trang này tối 11/7.

Sáng 11/7, đoàn chúng tôi hòa mình trong hàng trăm đoàn xe cựu chiến binh mọi miền cả nước rồng rắn nối đuôi nhau vượt qua những cung đường quanh co uốn lượn để lên đến Cao điểm 468 thắp hương cho các liệt sỹ ở Đài hương tưởng niệm các liệt sỹ Sư đoàn 356 và Đền thờ các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên.

Thạc sỹ Trần Trung Hiếu bên phần mộ Liệt sỹ chưa biết tên.

Từ đây, trong lớp sương còn dày đặc vẫn có thể nhìn sang Cao điểm 772 và 685, phóng tầm mắt nhìn sang Cao điểm 1509, những nơi đã diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt nhưng cũng đầy quả cảm và bi thương bởi sự hy sinh của những người lính Sư đoàn 356 tròn 35 năm trước.

Rời Cao điểm 468 và Ngã ba Thanh Thủy, đoàn chúng tôi đến Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy nhộn nhịp người xe qua lại trong yên bình. Đứng ở cửa khẩu Thanh Thủy, nhìn khá rõ những Điểm cao như 468, 772, 685 và lẫn trong mây mờ là Điểm cao 1509. 

Nơi đây đã diễn ra những trận đọ súng, đọ pháo cả bên ta và địch. Ta bắn chúng một, thì chúng bắn lại mười. Pháo kích của địch nhả đạn sáng rực trời đêm, cày xới từng mét đất, mỏm đá - nơi đặt các trận địa pháo của ta.

Những quả đồi, ngọn núi vốn là rừng già với bạt ngàn màu xanh đã bị đạn pháo thiêu trụi. Đạn pháo găm vào đá, phá vào núi khiến những dãy núi tan vỡ ra trắng xóa, nhìn từ xa không khác gì lò nung vôi. Chiều 11/7, tôi cùng các cựu chiến binh rời Cao điểm 468 để đến Nghĩa trang Vị Xuyên thắp hương cho các liệt sỹ.

Hầu hết các đồng đội và thân nhân các liệt sỹ đều chuẩn bị mang theo những đồ vật lưu niệm của các liệt sỹ, những tấm ảnh, nhiều bó hoa tươi đặt trên đài hương nghĩa trang và trên phần mộ các liệt sỹ. Tôi lên Vị Xuyên với tư cách không phải là một cựu chiến binh, chỉ là một giáo viên dạy sử về với một chứng nhân của lịch sử.

Hành trang, hành lý mang theo của tôi khi đến các địa danh ác liệt và đau thương đó là cuốn sách “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) - Góc nhìn báo chí”- “đứa con tinh thần” của tôi và các cộng sự mới xuất bản chào mừng Ngày báo chí Việt Nam 21/6/2019, kịp kỷ niệm tròn 35 năm ngày giỗ trận Vị Xuyên (12/7/1984 - 12/7/2019).

Tôi lặng lẽ một mình trân trọng đặt cuốn sách đó lên đài hương của nghĩa trang và một ngôi mộ với biển tên “Phần mộ chưa biết tên” như một nén tâm hương tưởng nhớ, ghi ơn các liệt sỹ... Hoàng hôn dần buông lên Vị Xuyên.

Nghĩa trang Vị Xuyên bắt đầu lung linh bởi ánh sáng của hàng nghìn ngọn nến trong khói hương được thắp lên bởi những đồng đội và người thân các liệt sỹ.

Trong không gian rộng lớn, tầng tầng, lớp lớp, có rất nhiều bóng dáng lom khom, mò mẫm của các cựu binh tìm kiếm phần mộ của động đội nhờ ánh sáng từ những chiếc điện thoại.

Thi thoảng có những tiếng hô to, hét vang cả nghĩa trang vì một cựu chiến binh tìm ra phần mộ của đồng đội. Rồi nhiều người chạy đến và những tiếng khóc nức nở...

Những tiếng “mày, tao” giữa nghĩa trang được ngân lên như những cuộc hội ngộ trên chốn trần gian của những người đồng đội. Tôi đã lặng im trong nghẹn ngào trước tình động đội...

Và sau đó bắt đầu buổi Đại lễ cầu siêu anh linh anh hùng liệt sỹ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hà Giang, TP.HCM và gia đình nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tổ chức ngay tại nghĩa trang.

Ngoài sự có mặt của các tướng lĩnh cao cấp trong quân đội, công an, lãnh đạo địa phương, hàng nghìn cựu chiến binh, còn có sự hiển diện của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn – tác giả các ca khúc nổi tiếng “Đất nước”, “Bài ca không quên”...

Trang nghiêm và xúc động. Các cựu chiến binh Vị Xuyên bắt đầu thực hiện các nghi thức giỗ trận truyền thống tưởng nhớ các đồng đội của mình theo rất nhiều cách với đủ mọi cung bậc cảm xúc thiêng liêng.

Cách đây 35 năm, ngày 12/7/1984, các sư đoàn 356, 312, 316, 313 thực hiện “Chiến dịch MB84”, tổ chức tiến công để giành lại những điểm cao bị Trung Quốc chiếm đóng tại Vị Xuyên.

 Tại nghĩa trang Vị Xuyên, hiện còn rất nhiều liệt sỹ chưa xác định được thông tin.

Thời gian của chiến dịch này tuy diễn ra rất ngắn nhưng cực kỳ khốc liệt. Những địa danh, những mỏm đồi mang tên “Cối xay thịt”, “Lò vôi thế kỷ”, “Thác gọi hồn”, “Ngã ba cửa tử” đã phần nào nói lên sự kinh hoàng của trận chiến này.

“Chiến dịch MB84” với lực lượng tham gia chủ công là Sư đoàn 356 và đây cũng là sư đoàn bị thiệt hại nặng nề nhất về mặt quân số trước sự vùi dập cuồng điên của pháo kích hạng nặng của Trung Quốc bắn từ bên kia biên giới. Chỉ trong một đêm 12/7 của 35 năm trước, Trung đoàn 867 của Sư đoàn 356 chịu tổn thất lớn lao mà có nhiều nguồn số liệu thống kê chưa chính xác và đầy đủ là khoảng trên dưới 600 người hy sinh.

Vì vậy, “Sự kiện ngày 12/7” hàng năm được các cựu chiến binh Sư đoàn 356 gọi là “Ngày giỗ trận” và cứ hàng năm đến ngày 12/7, các cựu chiến binh nói chung, Sư đoàn 356 nói riêng lại hội tụ về đây để hương khói cho đồng đội. Hoạt động tưởng niệm cho các đồng đội luôn được các cựu chiến binh tổ chức trang nghiêm, chu đáo trước quân kỳ và lá cờ của sư đoàn với đầy đủ xôi gà, hương hoa, rượu, thuốc lá, vàng mã...

Chỉ bình dị như vậy thôi có lẽ cũng để anh linh các liệt sỹ và những người thân trong gia đình các liệt sỹ thấy ấm lòng trong tháng 7 của sự tưởng nhớ và tri ơn. Vị Xuyên – còn đó những day dứt. Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc ngày càng lùi xa nhưng di chứng của cuộc chiến ác liệt vẫn còn hiện hữu.

Riêng tại mặt trận Vị Xuyên trong cuộc chiến này có hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh; hơn 9.000 người bị thương. Hiện vẫn còn hơn 2.000 hài cốt liệt sỹ còn nằm rải rác trong những các khe đá, thung sâu vẫn chưa được tìm thấy và quy tập về nghĩa trang liệt sỹ.

Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, nay đã được Chính phủ công nhận là Nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia được tu sửa và bổ sung nhiều phần mộ nhưng dường như vẫn còn nhỏ bé về mặt diện tích và không gian. Bên cạnh phần mộ đã có tên thì vẫn còn nhiều phần mộ được khắc biển “Liệt sỹ chưa có tên”, “Liệt sỹ chưa xác định”. Khuôn viên, cảnh quan và các phần mộ đa số vẫn còn sơ sài và xuống cấp vì thời gian.

Nhà nước và địa phương cần tu sửa, xây dựng và chỉnh trang tổng thể và cụ thể sao cho xứng tầm một nghĩa trang quốc gia. Tôi thiết nghĩ đây cũng là một trong nhiều cách để tưởng nhớ, tri ân hàng nghìn người đã ngã xuống vì Tổ quốc nơi mảnh đất thiêng liêng này.

Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội và tỉnh Hà Giang cần có sự phối hợp để khẩn trương tìm kiếm, quy tập nhiều hài cốt còn nằm rải rác ở các thung lũng, sườn núi, hang đá khu vực Vị Xuyên - nơi có lượng người hy sinh vô cùng lớn trong các địa phương biên giới phía Bắc.

Ở các khu vực xoay quanh các Điểm cao 468, 772, 685, 1509... vẫn còn rất nhiều bom mìn chưa được xử lý.

Rời Vị Xuyên – Hà Giang trong tháng 7 linh thiêng, là một giáo viên Sử, lòng tôi mang nặng nhiều sự trăn trở trước lịch sử. Có thể, chẳng có quốc gia nào như Việt Nam, và có lẽ cũng cũng chẳng có dân tộc nào chịu nhiều khổ đau, mất mát bởi chiến tranh như ở Việt Nam.

Video: Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra thế nào?

Trải qua nhiều cuộc kháng chiến trường chinh để giành và bảo vệ nền độc lập, hiện nay cả nước có khoảng 1,2 triệu liệt sỹ; khoảng hơn 300.000 hài cốt liệt sỹ đã được quy tập vào các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính, tên tuổi, quê quán, thời gian mất; khoảng hơn 200.000 liệt sỹ chưa tìm thấy được hài cốt, thi thể các liệt sỹ còn nằm lại trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia. Cả nước có hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ, hàng triệu thương binh, bệnh binh, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Đó là những con số biết nói. Và có lẽ Việt Nam là một trong ít quốc gia trên thế giới mà trong Chính phủ có Bộ Lao động, Thương binh và xã hội hàng năm chi một số lượng ngân sách lớn của quốc gia cho các đối tượng chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công, chất độc màu da cam, Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Đó là sự thật. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn – đó là truyền thống và đạo lý thiêng liêng của người Việt. Đối với tôi thì việc nhắc lại những ký ức của chiến tranh không phải để khoét sâu mối thù hằn dân tộc, càng không phải khơi sâu nỗi đau của mỗi người dân đất Việt. Nhắc lại một thời chiến tranh khốc liệt để chúng ta trân quý nền hòa bình hơn.

Để thế hệ trẻ ngày nay hiểu cái giá của độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, từ đó biết trân quý những giá trị lịch sử và tưởng nhớ, tri ân những người đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc. Trách nhiệm đó không chỉ của riêng tôi mà là nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng của những người viết sử, những đồng nghiệp môn Sử của tôi trong tháng 7 thiêng liêng.

Trên chuyến xe cùng các cựu chiến binh của Sư đoàn 356 từ Vị Xuyên - Hà Giang về Hà nội trong buổi chiều 12/7, chúng tôi cùng hát đi, tua lại bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn – “Bài ca không quên”.

Trần Trung Hiếu

Tin mới