Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ký ức kinh hoàng của ngư phủ trên những chuyến tàu cá bị bão biển nhấn chìm

(VTC News) -

Nhớ tới biển, ngư phủ nhớ tới niềm vui no ấm, nhớ thanh xuân giữa muôn trùng sóng vỗ, nhớ cả những mất mát đau thương…

Chúng tôi đặt chân đến xã Hoài Hải (Hoài Nhơn, Bình Định) vào một sáng sớm bình yên, lúc các con thuyền vừa neo tại bến sau một hành trình ròng rã cả tháng trên biển.

Ký ức kinh hoàng

Toàn xã Hoài Hải có khoảng gần 2.000 hộ thì 90% người dân sống bằng nghề biển. Bởi vậy, câu chuyện tàu cá bị chìm, ngư dân mất tích là điệp khúc lặp đi lặp lại, năm nào cũng xảy ra. Nhưng, chuyến tàu BĐ 97469 vươn khơi cuối tháng 10/2020 mãi mãi là ký ức kinh hoàng nhất đối với người dân nơi đây.

Tàu cá BĐ 97469 TS bị bão biển nhấn chìm, 14 ngư dân rơi xuống biển, 2 ngư dân bị sóng vùi chết tức tưởi, 4 ngư dân bơi mất tích, còn 8 ngư dân vớ được cái bình ga rỗng và thanh ván giành giật sự sống trước sóng dữ.

Giữa những cơn sóng biển hung hãn, chỉ có 3 ngư dân cầm trụ được trong 48 giờ đồng hồ và may mắn được một tàu hàng đến cứu sống trong gang tấc như phép màu kỳ diệu.

Những người được cứu sống khi đó là các ngư dân: Võ Văn Hoài (37 tuổi, ở thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải); Lê Minh Don (22 tuổi) và Huỳnh Xuân Phi (37 tuổi, cùng ở thôn Diêu Quan, xã Hoài Hải).

Ước nguyện của những ngư dân trước mỗi chuyến đi biển là cầu trời cho sóng yên, biển lặng.

Ngồi dõi ánh mắt ra biển cả, anh Võ Văn Hoài kể lại những ngày lênh đênh trên biển, chứng kiến những người thân dần dần bỏ cuộc, ánh mắt của anh thất thần.

Cuối tháng 10/2020, anh Hoài ra khơi cùng các bạn nghề. Khi nhận được tin bão số 9 rất mạnh, lúc này tàu đã đánh bắt được 12 - 13 tấn cá ngừ đại dương nên thuyền trưởng quyết định chạy về luôn.

Khi thuyền của anh chạy né xuống phía Tây Nam, nghĩ thoát khỏi bão, nào ngờ... Lúc tàu bị phá nước, mọi người lo tát nước cứu tàu, đến khi không cứu được nữa, tàu cứ thế chìm dần, chìm dần.

14 người trên tàu trôi dạt thành 2 nhóm. Lúc ấy, thuyền trưởng cùng với 3 người khác bị thất lạc mất tích. Anh Hoài cùng 7 người khác vớ được chiếc bình gas rỗng và thanh ván, cầm trụ giữa sóng biển dữ dội.

Trời mưa lớn, sự sợ hãi của các thuyền viên ngày càng lớn, lấn át cái lạnh. Họ cố bám trụ trên thanh ván động viên nhau phải cố gắng hết sức để sống sót. Nhưng rồi từng người kiệt sức bị biển nhấn chìm. Những người còn lại đói quá thì gặm những miếng xốp, uống ngụm nhỏ nước biển để cầm cự.

Hơn 1 ngày đêm bị sóng gió quăng quật, ông Sinh (51 tuổi, người lớn tuổi nhất trong số 14 thuyền viên bị nạn) kiệt sức rồi buông tay khỏi tấm ván gỗ. Và trong đêm đó, lần lượt nhiều anh em thuyền viên cũng buông tay khỏi tấm ván.

"Chúng tôi đứt ruột đứt gan nhìn từng anh em bạn thuyền, có cả người bà con ruột thịt của mình, lần lượt ra đi mà bất lực. Tôi ám ảnh mãi với lời trăng trối của từng anh em trước khi thả tay chìm vào biển.

Ông Sinh thì nói: “Chú kiệt sức rồi, cho chú “về”... Nhắn giúp với vợ chú cố gắng sống tốt làm chỗ dựa cho con cái”. Hoài (20 tuổi) thì bảo: “Lạnh lắm, tao xin về trước để gặp ba mẹ đây!”. Rồi Hoài thả tay, chìm xuống biển mất tích.

Những người còn lại đều nhắn gửi gia đình đừng buồn, cố gắng sống tốt, ở nơi nào đó linh hồn họ sẽ phù hộ… Đến khi được tàu hàng cứu vớt chúng tôi chỉ còn lại 3 người”, anh Hoài khóc.

Anh bảo sau chuyến đi biển kinh hoàng đó anh chưa đêm nào ngon giấc, những ký ức có lẽ sẽ ám ảnh anh cả đời. Và cũng từ biến cố đó, cả anh Hoài, anh Phi và anh Don đều bỏ biển, đi làm thuê làm mướn cách nhà hơn chục cây số để lấy tiền đắp đổi qua ngày.

Nhiều kinh nghiệm cũng không tránh được nguy nan

Nghề câu cá ngừ đại dương đã biến Hoài Nhơn trở thành thủ phủ cá của tỉnh, ngư dân có nguồn thu nhập cao. Thế nhưng, để có được cuộc sống khá giả hiện tại, các ngư dân không ngừng bám biển, đều trải qua 5, 6 đời đi biển trong một gia đình, vui có, buồn có và có cả những nỗi đau tột cùng.

Chú Lê Minh Thư (60 tuổi) là bố thuyền trưởng tàu cá BĐ 96935 TS Lê Thanh Toàn, có hơn 50 năm bám biển và cũng là một trong ít người có nhiều kinh nghiệm đi biển nhất huyện Hoài Nhơn .

Cậu bé Lê Minh Thư bắt đầu theo cha học nghề biển từ năm 9 tuổi. Ban đầu là những chuyến đánh bắt gần bờ vì khi đó thuyền ghe còn thô sơ. Đến năm 10 tuổi, Thư bắt đầu những chuyến đánh bắt xa bờ và bám trụ với biển đến tận bây giờ.

Hiện tại 1 năm tui vẫn đi 2, 3 tháng trên biển còn lại giao cho con trai và cháu nội nối nghiệp. 50 năm đi biển thì có 4 năm đi nhám (đi đánh bắt cá nhám ) và hơn 15 năm đi gù (đánh bắt cá gù - cá ngừ đại dương) và cho đến bây giờ cứ đi như vậy đến khi không còn sức nữa thì thôi", chú Thư chia sẻ.

Chú Thư bảo, nghề đi biển này thật sự ra chẳng một ai muốn đi vì nguy hiểm luôn rình rập, tính mạng con người đều phó thác cho mẹ thiên nhiên và treo lơ lửng trên cột buồm.

Thấy con sóng dữ, thật sự cũng chẳng thế biết lúc nào mình chết, vì vậy, đã “căng buồm ra khơi” là phải xác định có tình huống xấu nhất, không có sự sợ hãi nào cả chỉ quan tâm duy nhất đợt này đi có thêm được miếng cơm manh áo cho vợ con ở nhà hay không.

Để có được cuộc sống khá giả hiện tại, các ngư dân không ngừng bám biển, đều trải qua 5, 6 đời đi biển trong một gia đình, vui có, buồn có và có cả những nỗi đau tột cùng.

Kể về những hiểm nguy của “đời ngư”, chú Thư cho biết chú không thể quên tai nạn xảy ra cách đây 20 năm.

Cuối tháng 4/2002, chú Thư cùng 14 thuyền viên đang đánh bắt cá thì nhận được tin từ đất liền là có bão số 1 và thủy triều cũng đang lên, lúc đó tàu của chú Thư đang gặp sự cố hỏng mất 1 máy trong tổng số 6 máy. Lúc này, áp thấp nhiệt đới xuất hiện.

Chú động viên anh em cố gắng khắc phục. Sau 4 tiếng, máy cũng đã được sửa xong. Lúc này áp thấp nhiệt đới đã đến gần. Chú Thư yêu cầu thuyền viên buộc tất cá các phao bù nhựa, loại có đường kính 50 cm (phao tròn), mỗi chùm 3 chiếc, và động viên anh em bình tĩnh, nếu tàu bị phá nước thì tất cả ôm phao lao xuống biển.

Ngặt nghèo hơn khi tàu của chú Thư không những gặp áp thấp mà còn cả gió xoáy cấp 5, 6. Con tàu chao nghiêng, tưởng chừng vỡ làm đôi. Không cam chịu để tàu trong vùng gió bão, người thuyền trưởng nghiến răng đạp ga và bẻ lái. Tàu chồm qua rồi rơi xuống trên những đỉnh sóng. Thật may mắn trong vòng 30 phút, tàu vượt được ra khỏi vùng áp thấp.

"Sau đó tui cho tàu vào Nan Eo lánh nạn. Đi biển sợ nhất là gió xé, gió dùa hốt dục (tiếng địa phương Dùa là lùa, Dục là ném, vứt). Khi đó, người nhà xác định tàu cứu nạn là đi để vớt xác chúng tôi về chứ không trông mong gì vào khả năng sống sót. Vì vậy, khi thấy chúng tôi trở về, vợ con chỉ biết ôm chầm mà khóc”.

Sau lần thoát nạn đó, chú ốm nặng, nằm li bì ở nhà. Vợ con khóc lóc, khuyên chú chuyển nghề. Biển hào phóng nhưng cũng đầy hiểm nguy. Họ bảo không cầu giàu sang, chỉ cần chú còn sống để trong nhà còn có hơi chồng, tiếng cha.

Nhưng, chú nào nghe. Cuộc đời chú, gắn với biển, hơn 50 năm lênh đênh sóng nước, đâu phải nói bỏ là bỏ được. Ngày đó, gia đình chú Thư thuộc diện hộ nghèo của làng. Những chuyến đi biển của chú trở thành niềm hy vọng sống cho cả gia đình.

"Mình dân làng biển, biết rằng đôi lúc biển cả nổi cơn giận dữ nhưng đời cha, đời ông, đời mình đã gắn bó với biển, mất mát cùng biển. Ngay cả đến lúc chết cũng hòa tan với biển. Biển cả là đau thương với mình nhưng cũng là niềm tin với mình. Mỗi lần ra biển, tui lại như thấy cha, thấy những anh em của tui đang ở đó, nâng đỡ mình dưới mỗi con sóng thăm thẳm ngoài kia", chú Thư bộc bạch.

Cầu cho sóng yên biển lặng

Ước nguyện của những ngư dân trước mỗi chuyến đi biển là cầu trời cho sóng yên, biển lặng. Khi ra khơi họ phải đối mặt với bao khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy, nhất là những chuyến đánh bắt xa bờ thì thường kéo dài ít nhất 15 đến 23 ngày.

Chú Thư chia sẻ, khi đã ra khơi là chỉ về khi nào thuyền đầy cá, bằng không cứ lên đênh trên biển thậm chí là 3 tháng, cho đến khi tàu hết lương thực, hết nhiên liệu hoặc gặp bão họ mới đành về tay không, chấp nhận chuyến đi lỗ vốn.

Đàn ông làng biển chỉ được "nghỉ phép" khi mùa con trăng lên, thường từ khoảng ngày 11 - 17 âm lịch, trăng sáng trên biển không đánh bắt được, trăng sáng quá cá không ăn theo đèn trên tàu. Và mùa con trăng cũng là mùa các ngư dân nghỉ ngơi bên gia đình, lúc này làng chài đầy đủ đông vui nhất.

 

Tôi hỏi chú, sao đàn ông làng biển ai cũng có thói quen nói to? Chú Thư cười giải thích: Bởi lênh đênh trên biển họ phải nói thật to để còn át tiếng sóng, những ngày đầu mới đi biển, chú hay bị viêm họng bởi mỗi  lần nói là một lần "phải hét".

Đàn ông đi biển từ suy nghĩ, tác phong, ăn nói, hành động... đều cần sự dứt khoát, mau lẹ. Chỉ cần một chút bất cẩn, một giây chần chừ đều có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình và bạn nghề. Dần dần, môi trường làm thay đổi con người, biến họ thành một khuôn mẫu chung: Nói to rõ, hành động mạnh mẽ, dứt khoát...

Chú Thư bảo, nghề biển dẫu có nhiều gian nan, nhưng ngày nay với sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, những tàu cá nhỏ đang dần chuyển đổi thành những tàu cá lớn, thông tin liên lạc trên biển ngày càng hiện đại hơn, mọi nỗi băn khoăn về những cơn bão biển đã dần được đẩy lùi. Ngư dân vẫn kiên định một tình yêu với biển, vẫn tin vào những ân điển từ biển khơi.

Tôi đứng dõi theo bóng chú Thư lặng lẽ trở về nhà sau những ngày dài lênh đênh trên biển. Dấu chân hằn in trên cát. Những cảm mến nghẹn ngào chợt dâng lên trong tôi.

Anh Toàn, anh Hoài, chú Thư... cũng như biết bao người con trai làng biển khác sinh ra và lớn lên tựa như hàng thông trước gió. Mạnh mẽ và can trường. Dù phong ba, bão táp vẫn thi gan cùng sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Dẫu vậy, đằng sau sự mạnh mẽ đó, trong họ, đó là một tâm hồn sâu sắc, khát khao yêu thương và luôn mưu cầu hai chữ “bình yên”.

Nghề đi biển luôn ẩn chứa những bất trắc phía trước, nhưng những ngư dân vẫn ngày đêm bám biển, xem biển cả là nhà và nhiều người khi đã tuổi già vẫn ra biển xem những chuyến thuyền ngược xuôi, gợi nhớ một thời trai tráng tung hoành sóng gió với những mùa đánh bắt bội thu.

Rời làng chài lúc trời trở gió, dáng những người đàn ông với làn da sạm nắng vẫn lam lũ, vất vả nhưng nụ cười lại rạng ngời, tươi rói. Những cơn bão biển hay giông bão cuộc đời chưa bao giờ đánh gục được những con người rắn rỏi, vững vàng ấy. Biển đã hòa tan quá nhiều nước mắt để trở nên mặn chát hơn bao giờ.

>>>> Biển mặn đời ngư phủ: Chuyến đi biển "lời" được 4 người bạn

Gia Nguyễn- Viên Phạm

Tin mới