Chiều 28/1 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện thành công ca mổ “thức tỉnh” đầu tiên tại Việt Nam dưới sự giúp đỡ của hai chuyên gia người Nhật Bản.
Ông Đồng Văn Hệ - Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, phương pháp phẫu thuật thức tỉnh (bệnh nhân tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật) từ lâu được các nước phát triển trên thế giới ứng dụn. Tại Việt Nam đây là lần đầu tiên và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là nơi đầu tiên áp dụng phương pháp này.
Người được phẫu thuật lần này là một người đàn ông làm nghề kinh doanh 36 tuổi ở Hà Nội mắc hội chứng u tế bào thần kinh đệm.
"Khi mổ, bệnh nhân vẫn nói chuyện, trao đổi bình thường với bác sĩ. Đặc biệt, trong quá trình mổ bệnh nhân còn hát quốc ca với tâm trạng hết sức thoải mái để quên đi thời gian”, bác sĩ Hệ nói.
Bệnh nhân vừa phẫu thuật, vừa hát Quốc ca Việt Nam. (Ảnh: Phạm Quý)
Cũng theo bác sĩ Hệ, ưu việt của phương pháp phẫu thuật “thức tỉnh” là dù ca mổ cắt u não 6cm của bệnh nhân kéo dài từ 10h đến 16h, nhưng quá trình mổ, kíp mổ sẽ biết được vùng nào là vùng nhạy cảm của bệnh nhân thông qua giao tiếp để tránh xâm lấn vùng chức năng có thể gây tổn thương.
Ngoài ra, mổ "thức tỉnh" sẽ giảm thiểu các di chứng của bệnh nhân trong phẫu thuật như liệt, rối loạn chức năng vận động, chức năng ngôn ngữ của bệnh nhân.
Được biết, để chuẩn bị cho ca phẫu thuật có “1 không 2” này, ngay từ đầu năm 2018 các chuyên gia của Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã liên hệ với các chuyên gia của Nhật để chuẩn bị cũng như lên kế hoạch, tập huấn, tìm bệnh nhân thích hợp.