Khi phát hiện ra vụ va chạm này năm 2019, các nhà thiên văn học cho rằng nó xảy ra giữa 2 hố đen có kích thước tương đương. Nhưng phát hiện mới đây chỉ ra rằng 2 hố đen này có chênh lệch lớn về khối lượng, trong đó một nặng gấp 29,7 lần khối lượng của Mặt trời, một nặng gấp 8,4 lần.
Video: Đồ họa mô phỏng quá trinh sáp nhập của 2 hố đen
Sự kiện này cũng đánh dấu vụ va chạm hố đen có khối lượng thấp nhất mà con người từng phát hiện mặc dù hố đen mới sau khi tạo thành có khối lượng khổng lồ.
"Quan sát này cho phép chúng ta kiểm tra dự đoán về các tín hiệu sóng hấp dẫn theo một cách mới và là một phần khác trong câu đố về quá trình hình thành các hố đen nhị phân", nhà thiên văn học Christopher Berry tới từ Đại học Tây Bắc (Mỹ) cho hay.
Điều đặc biệt hơn là quá trình va chạm và sáp nhập này tạo ra các "tiếng ồn ký quái". Chúng được chia ra làm 2 tần số riêng biệt, cách nhau 5 nốt theo cách nói trong thanh nhạc.
"Chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu về sự đa dạng của các cặp hố đen ở ngoài kia. Tôi rất thích thú khi mỗi ngày có thể giải mã thêm một chút bí ẩn của vũ trụ", Frank Ohme, nhà khoa học tới từ Viện nghiên cứu Max Planck cho hay.