Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kỳ quan cổ đại giải quyết cuộc khủng hoảng nước ở Ấn Độ

Những giếng bậc thang sâu trong lòng đất đang được khôi phục để cung cấp nước sạch cho người dân tại những vùng bị hạn hán ở Ấn Độ.

Chand Bawri là giếng bậc thang có quy mô lớn nhất tại Ấn Độ. Công trình được sắp xếp như một mê cung chạm khắc tinh xảo gồm 13 tầng và 3.500 bậc thang, với sự đối xứng hoàn hảo để có thể đến giếng ở độ sâu 30 m.

Nằm sâu trong lòng đất, các công trình như Chand Bawri được xây dựng ở những vùng bị hạn hán ở quốc gia Nam Á để cung cấp nước cho người dân quanh năm trong suốt 1.500 năm qua.

Chand Bawri là giếng bậc thang lớn nhất ở Ấn Độ. (Ảnh: Travelandleisure)

Kỳ quan kỹ thuật

Giếng bậc thang là cấu trúc ngầm nhiều tầng, thường bao gồm hai phần: một trục thẳng đứng để từ đó nước được hút ra và các lối đi, buồng chứa cùng bậc thang nằm nghiêng xung quanh.

Theo nhà nghiên cứu Victoria Lautman, công trình được xây dựng dọc theo các sườn dốc để người dân dễ dàng lấy nước ngầm, đồng thời đóng vai trò là bể chứa nước khổng lồ vào mùa mưa nhờ các rãnh sâu trong lòng đất. Thiết kế khép kín của giếng bậc thang góp phần giúp giảm lượng hơi nước thoát ra.

Kỳ quan kỹ thuật này cũng là kho lưu giữ lịch sử của Ấn Độ, được sử dụng cho những cuộc tụ họp xã hội và nghi lễ tôn giáo. Các buồng chứa và phòng trưng bày thường được trang trí cầu kỳ, trở thành nơi nghỉ dưỡng của người dân vì nhiệt độ ở đây thấp hơn ngoài trời 5-6 độ C.

Nhiều giếng bậc thang trở nên hoang phế sau khi bị bỏ hoang. (Ảnh: Smithsonianmag)

Nhiều bằng chứng cho thấy giếng bậc thang bắt đầu xuất hiện vào thời kỳ nền văn minh lưu vực sông Ấn.

Ban đầu, công trình được xây dựng như đường hào thô sơ và dần có quy mô to lớn trong khoảng thời gian từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15. Ngày nay, Ấn Độ còn lưu giữ khoảng 3.000 giếng bậc thang, trong đó chỉ riêng thủ đô New Delhi đã có 32 tuyệt tác kỹ thuật này.

Tuy vậy, những kỳ quan kiến trúc bị mục nát sau nhiều thế kỷ dần rơi vào quên lãng. Với các nhà quy hoạch đô thị, giếng bậc thang không thể so sánh với hệ thống nước sinh hoạt hiện đại.

Nhưng trong những năm gần đây, vai trò của giếng bậc thang dần trở nên quan trọng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất trong lịch sử Ấn Độ.

Khôi phục "thế giới ngầm"

Cuộc khủng hoảng nước đe dọa nghiêm trọng đến đời sống người dân Ấn Độ. (Ảnh: Mediaindia)

Theo UNESCO, Ấn Độ là quốc gia khai thác nước ngầm nhiều nhất thế giới. Mực nước ngầm ở nước này ước tính đã giảm 61% trong giai đoạn 2007-2017.

Hiện, 70% nước bề mặt ở Ấn Độ không thể sử dụng do ô nhiễm, khiến khoảng 200.000 người chết mỗi năm và 600 triệu người - một nửa dân số quốc gia Nam Á - phải đối mặt với tình trạng thiếu nước hàng ngày.

Tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngọt không chỉ đe dọa đến cuộc sống người dân, mà còn gây bất ổn an ninh lương thực.

Năm 2018, chính quyền Rajasthan, một trong những khu vực khan hiếm nước ngọt nhất trên thế giới, đã tiến hành khôi phục các giếng bậc thang, bao gồm Chand Bawri, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ngân hàng Thế giới.

"Giếng bậc thang có thể giúp lấp đầy các tầng ngậm nước và kiểm soát dòng chảy trong bối cảnh mực nước ngầm ở Ấn Độ đang suy giảm nhanh chóng", kiến trúc sư Ratish Nanda, cho biết.

Tại thành phố Jodhpur, giếng bậc thang Toorji đã được khôi phục sau khi một nhóm nghiên cứu dành vài tháng để bơm nước thoát tù đọng. Nhờ đó, hơn 28 triệu lít nước mỗi ngày cung cấp cho thành phố đã được làm sạch lớp cặn trắng.

Người dân không còn phải đi bộ hàng giờ để tìm kiếm nước. Thay vào đó, họ có nước sạch để uống, sinh hoạt và dành cho các nghi lễ tôn giáo.

Giếng bậc thang cho thấy kỹ thuật xây dựng tuyệt vời của người Ấn Độ cổ đại. (Ảnh: Arcdaily)

Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ đã tiến hành những dự án trùng tu nhiều "thế giới ngầm", bao gồm 15 công trình ở Delhi (2017), Moosi Rani Sagar ở Rajasthan (2020)... Vào năm 2019, tổ chức Aga Khan Trust for Culture hợp tác với Đại sứ quán Đức tại Ấn Độ nhằm phục hồi giếng bậc thang trong khu vực lăng mộ Humayun, giúp giữ lại 150.000 lít nước mưa.

Bên cạnh đó, những kỳ quan kỹ thuật không chỉ liên quan đến nguồn nước, mà còn là một phần lịch sử kiến trúc của Ấn Độ. Đây là những di sản cần được bảo tồn và có thể thu hút khách du lịch.

"Khôi phục giếng bậc thang có thể không giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng nước sạch ở Ấn Độ, nhưng đây là cách thức để nhiều địa phương ngăn chặn tình trạng khan hiếm nước", bà Ratish Nanda khẳng định.

Nguồn: Zing News

Tin mới