Chiều 24/5, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức bổ sung quy định cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đó phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.
Cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị nghiên cứu quy định về các hình thức xử lý kỷ luật phải bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cá nhân về vật chất, tinh thần mà người có hành vi vi phạm đã được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu nhằm có tính răn đe, thuyết phục cao hơn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình).
Trả lời bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, luật phải quy định rõ ràng đối với cán bộ vi phạm về pháp luật bị truy tố hoặc điều tra.
“Trong luật cần nêu rõ các hình thức xử lý kỷ luật kể cả buộc thôi việc, để xử lý nghiêm, làm cho bộ máy vừa tinh gọn vừa nâng cao được hiệu quả nhưng vừa cảnh báo cân nhắc trước sai phạm hiện nay còn xảy ra phổ biến trong cán bộ công chức”, đại biểu Phương nêu quan điểm.
Tuy nhiên, dư luận băn khoăn nhiều trường hợp cán bộ nghỉ hưu không bị xử lý sai phạm mà vẫn "hạ cánh an toàn".
Bình luận vấn đề này, đại biểu Phương cho rằng theo chủ trương của Đảng, cán bộ vi phạm mà bị truy tố thì nghỉ hưu vẫn phải xử lý. Như vậy, khi luật này ra đời, việc "hạ cánh an toàn" sẽ không còn nữa.
“Đó là quy định của Đảng nhưng trong luật chưa có quy định rõ là những người nghỉ hưu sẽ bị xử lý thế nào khi bị kỷ luật hoặc là bị truy tố.
Để đảm bảo tính nghiêm túc và khắc phục hậu quả này, luật lần này sẽ bổ sung 1 chương, hoặc một số điều quy định cán bộ công nhân viên chức vi phạm về tham nhũng nhận hối lộ, vi phạm quy chế tuyển dụng cán bộ công nhân viên chức sẽ bị xử lý truy tố tùy theo mức độ xảy ra như thế nào”, ông Phương nói.
Nếu như trước đây, Điều 25 của Luật Viên chức quy định, sau khi viên chức trúng tuyển sẽ được ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến 36 tháng). Sau khi thực hiện xong hợp đồng này, viên chức sẽ được chuyển sang hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
Điều này có nghĩa là, viên chức được đảm bảo một vị trí ổn định, lâu dài, thậm chí đến tận khi nghỉ hưu trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, Điều 25 nêu trên được điều chỉnh.
Cụ thể, sẽ chỉ còn 3 trường hợp được xem xét ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Tất cả các trường hợp chưa thực hiện ký hợp đồng không xác định thời hạn phải ký hợp đồng xác định thời hạn.
Như vậy, nếu dự thảo Luật này được thông qua, chế độ viên chức suốt đời sẽ được xóa bỏ. Quy định này được cho là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 26-NQ/TW về công tác cán bộ. Cụ thể, tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị nhấn mạnh sẽ tiến tới xóa bỏ chế độ biên chế suốt đời.
Video: Cách chức ông Vũ Huy Hoàng - 'Về hưu không phải là hạ cánh an toàn'
Tuy nhiên, đại biểu Phương cho rằng điều này cũng có nhiều bất cập.
“Có thời điểm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra đối với giáo viên không cần viên chức. Nếu không phải là viên chức thì nhà trường tự chủ, tự chọn, tự chịu trách nhiệm về chất lượng và sẽ chọn giáo viên có năng lực để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Còn những trường hợp không đủ chức năng nhiệm vụ của mình thì với chức năng tự chủ có thể loại bỏ.
Nhưng điều ấy gây phản ứng trong xã hội và thực tế như hiện nay, theo tôi đối với cán bộ công chức viên chức muốn có chất lượng hiệu quả cao thì phải có cơ chế thi tuyển, tuyển dụng hợp lý. Còn hiện nay trong thi tuyển và xét tuyển viên chức còn phát sinh tiêu cực.
Ví dụ dù học giỏi nhưng vào thi tuyển có mục thi vấn đáp câu hỏi. Các thành phần có quen biết, con ông cháu cha lại được. Đây là điểm người dân rất bức xúc
Thứ hai, trong thi tuyển phụ thuộc vào từng yêu cầu của từng sở ngành, cơ quan đơn vị, tự tổ chức thi. Tôi ví dụ ngành Giáo dục tự tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục, ngành Công thương tổ chức về Sở Công thương. Điều đó làm cho việc thi tuyển có biểu hiện tiêu cực, thực ra là chưa chọn đúng người tài, người có năng lực, có tâm, có tầm.
Trong luật sắp tới nên có quy định giải pháp tuyển chọn công chức, viên chức mang tính chất chung, chọn đúng người có đức có tài, hạn chế tiêu cực”, vị đại biểu Quảng Bình bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương kỳ vọng luật sắp tới sẽ khắc phục những điều bất cập, thiếu hiệu quả. Những điều chưa có trong luật cần được bổ sung đầy đủ để cho luật thực sự làm cho bộ máy Nhà nước ngày càng tinh gọn, ngày càng hiệu quả.
“Đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ được tuyển vào có tâm có tầm có tài, chứ không phải tuyển dụng bằng cách đưa con ông cháu cha vào”, đại biểu Phương nhấn mạnh.
Thảo luận tại tổ về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên) cho biết, về hình thức xử lý đối với cán bộ đã nghỉ hưu có vi phạm thời gian vừa qua làm rất tốt, tạo ra hiệu ứng trong công tác xây dựng, chỉnh đối Đảng, xây dựng chính quyền, phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, việc luật hoá cần cụ thể để rõ tính pháp lý của những văn bản mà ngày xưa những người này chịu trách nhiệm khi còn giữ chức vụ.
"Ví dụ một ông nguyên là hiệu trưởng trường đại học ký bằng tốt nghiệp, bây giờ người đó bị cách chức thì tôi có phải đổi bằng không? Chắc là không phải đổi bằng đâu nhưng phải quy định thế nào đó cho đảm bảo".
"Thứ hai, ông hiệu trưởng sau đó còn làm lên Thứ trưởng, Bộ trưởng nữa rồi mới nghỉ hưu. Người này bị cách chức hiệu trưởng do sai phạm ở thời điểm đó, thì không biết chức Thứ trưởng, Bộ trưởng sau này thế nào? Vì không có cấp dưới làm sao lên được cấp trên, mà ông vi phạm ngay từ dưới rồi. Cái này cũng phải nghiên cứu” – ông Trà đặt vấn đề.