Được mệnh danh là "ngọn núi lửa hoạt động cao nhất" tại Nam Cực, Erebus cao 3.794m, đã phun trào liên tục ít nhất từ năm 1972. Theo các nhà khoa học, mỗi ngày, ngọn núi này phun ra khoảng 80 gram vàng tinh khiết, tương đương với một khoản tiền không hề nhỏ.
Erebus là ngọn núi lửa cao nhất còn hoạt động ở Nam Cực. (Ảnh: Alamy)
Theo nghiên cứu của các nhà địa chất học, nguồn gốc của lượng vàng này có thể bắt nguồn từ chính đá núi lửa. Khi dung nham nóng chảy từ sâu trong lòng đất trào lên bề mặt, nó cuốn theo những hạt bụi vàng li ti, rồi phun ra ngoài cùng với khí gas.
Những hạt bụi vàng này có kích thước rất nhỏ, chỉ từ 0,1 đến 20 micromet, đã được tìm thấy trong cả khí thải núi lửa và tuyết xung quanh.
Tuy nhiên, việc khai thác lượng vàng khổng lồ này là điều không tưởng. Bụi vàng phun ra từ núi lửa thường rất mịn và phân tán rộng khắp, việc thu thập chúng đòi hỏi công nghệ phức tạp và chi phí rất cao. Hơn nữa, môi trường khắc nghiệt của Nam Cực cũng là một rào cản lớn đối với bất kỳ hoạt động khai thác nào.
Mỗi ngày, ngọn núi lửa này có thể phun ra 80gram vàng tinh khiết. (Ảnh: Pinterest)
Câu chuyện về núi lửa vàng Erebus bắt đầu từ năm 1991, khi một nhóm nhà địa chất học người Mỹ tình cờ phát hiện ra hiện tượng này. Kể từ đó, Erebus trở thành tâm điểm của nhiều cuộc nghiên cứu, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trên toàn thế giới.
Hiện tượng núi lửa Erebus phun trào vàng còn đặt ra những thách thức lớn đối với môi trường và khí hậu. Nam Cực là một trong những khu vực nhạy cảm nhất với biến đổi khí hậu, và các hoạt động núi lửa có thể làm gia tăng tốc độ tan chảy của các sông băng và tảng băng trôi. Nếu toàn bộ lớp băng bao phủ Nam Cực tan chảy, mực nước biển toàn cầu sẽ dâng cao đáng kể, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới.
Erebus được chụp từ trên cao. (Ảnh: Josh Landis)
Hơn nữa, các vụ phun trào núi lửa còn giải phóng một lượng lớn khí thải độc hại vào khí quyển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí và làm tăng hiệu ứng nhà kính. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ngọn núi lửa Erebus ở Nam Cực không chỉ là một kỳ quan địa chất độc đáo mà còn là một ẩn số đầy bí ẩn. Tuy nhiên, khu vực này hiện rất khó tiếp cận và không thích hợp để khách du lịch có thể đến tham quan.