Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ký kết 12 thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc

Tại Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc đã diễn ra lễ ký kết 12 Thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp 2 nước.

Ngày 13/3, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông).

Tại hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến Lễ ký kết 12 Thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông trong lĩnh vực thương mại và hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tìm hiểu cơ hội hợp tác. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, năm 2023, quy mô thương mại giữa Sơn Đông và Việt Nam đạt 10,9 tỷ USD; đứng thứ 8 trong số các địa phương Trung Quốc có quan hệ thương mại với Việt Nam và chiếm khoảng 4,8% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Với quy mô thị trường và những thế mạnh mang tính bổ sung lẫn nhau giữa hai bên, hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Sơn Đông còn nhiều dư địa để khai thác.

Ông Vũ Bá Phú đề nghị Chính quyền tỉnh Sơn Đông quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Sơn Đông tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại được tổ chức tại các địa phương Việt Nam và Sơn Đông.

Qua đó, mở rộng hơn nữa quy mô đầu tư, thương mại đối với các mặt hàng chất lượng cao, thế mạnh của mỗi bên, bao gồm trái cây, thủy sản, nông sản, thực phẩm chế biến, đồ uống, hàng dệt may… của Việt Nam cũng như các mặt hàng máy móc cơ khí, điện tử, sản phẩm hóa chất… của Sơn Đông.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Phú cũng đề nghị tỉnh Sơn Đông ủng hộ doanh nghiệp 2 bên tăng cường hợp tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành chế biến nông sản, dệt may, năng lượng mới, xe điện, cơ khí, điện tử mà Sơn Đông có ưu thế qua đó giúp nâng cao năng lực cho Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá và xây dựng thương hiệu tại thị trường Trung Quốc đặc biệt là tại các hệ thống phân phối lớn tại Sơn Đông.

“Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng như của Sơn Đông để làm cầu nối hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Ông Tống Quân Kế, Phó Thị trưởng Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông khẳng định hai nước là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của nhau, có lợi thế về vị trí rõ ràng, đồng thời các ngành công nghiệp có tính bổ trợ lẫn nhau, tiềm năng hợp tác là rất lớn. Trên cơ sở đó, tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại là một phần quan trọng trong việc làm sâu sắc và nâng cao hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam, từ đó sẽ thúc đẩy hơn nữa việc làm sâu sắc và củng cố quan hệ song phương.

Thông qua Hội nghị này, doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) có cơ hội trao đổi, kết nối và đẩy mạnh hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản, thủy sản và các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam sang tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Sơn Đông - Việt Nam đạt 10,75 tỷ USD (chiếm 2,3% tổng kim ngạch XNK của Sơn Đông với thế giới và chiếm 11,8% kim ngạch xuất nhập khâut của Sơn Đông với ASEAN), giảm 9% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Sơn Đông sang Việt Nam đạt 8,2 tỷ USD, giảm 5,1% (chiếm 3% xuất khẩu của Sơn Đông ra thế giới và 19,8% xuất khẩu tới ASEAN), nhập khẩu của Sơn Đông từ Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, giảm 19,6% (chiếm 1,4% nhập khẩu của Sơn Đông từ thế giới và 5,1% nhập khẩu từ ASEAN).

Nguồn: vietnamplus

Tin mới