Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kỳ diệu sau điện mật 'chúng tôi chiến đấu hết đạn, xin vĩnh biệt các đồng chí'

(VTC News) -

Điều kỳ diệu đã xảy ra sau bức điện mật: “Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”.

Kỳ 1: Điều kỳ diệu sau điện mật 'chúng tôi đã chiến đấu hết đạn, xin vĩnh biệt các đồng chí'

Kỳ 2: Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn: Sau bức điện, đường máu phá vòng vây địch mở ra

Những ngày cuối tháng 2, trong tiết xuân se lạnh, chúng tôi ghé thăm gia đình cựu chiến binh, Anh hùng LLVTND, Thượng tá Lê Khắc Xuân (SN 1953, thôn 1, xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Năm nay, vị Anh hùng ngày ấy tuổi đã gần 70, nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Di chứng của chiến tranh khiến sức khoẻ của ông giảm sút khá nhiều. 

Tuy nhiên, ánh mắt người cựu binh rực sáng khi nhớ lại những ký ức hào hùng về trận chiến ở đồn biên giới Pha Long (Mường Khương, Lào Cai). 42 năm trôi qua, chưa bao giờ ông quên được những hình ảnh về trận chiến khốc liệt ấy. Trận đánh với điều kỳ diệu xảy ra sau bức điện cuối cùng như lời vĩnh biệt: “Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”.

“Cho đến tận bây giờ, tôi không thể tin mình vẫn còn sống. Thậm chí, cả khi ngủ, ký ức về trận đánh đẫm máu ấy đôi lúc lại ùa  về”, vị Anh hùng mắt ngấn lệ mỗi nhắc về trận đánh lịch sử.

Ngày 17/2/1979, hàng chục vạn quân Trung Quốc đồng loạt tràn qua biên giới Việt Nam, tấn công nhiều mục tiêu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nhằm nhanh chóng đánh chiếm một số thị xã, chặn đường tiếp tế của Việt Nam từ phía sau lên.

Hướng tấn công chủ yếu của quân địch là Lạng Sơn, Cao Bằng. Hướng quan trọng là Lào Cai. Hướng phối hợp là Phong Thổ, Lai Châu. Hướng nghi binh để thu hút lực lượng của Việt Nam là Hà Tuyên và Quảng Ninh.

Cách đánh chủ yếu của Trung Quốc là sử dụng lực lượng áp đảo, bất ngờ tấn công đồng loạt, tập trung vào hướng chính diện kết hợp với vu hồi, thọc sâu, bao vây, chia cắt lực lượng ta, đặc biệt là sử dụng pháo binh gây sát thương lớn cho bộ đội và người dân.

Huyết chiến ở đồn biên giới Pha Long bắt đầu...

Ngày 17/2/1979, hai trung đoàn bộ binh Trung Quốc với hỏa lực lớn bất ngờ nổ súng tấn công Trạm biên phòng Lồ Cố Chin (Lào Cai). Trước sự tấn công bất ngờ của quân địch, 7 chiến sĩ của trạm đã chiến đấu kiên cường, 4 chiến sĩ hy sinh, số còn lại nhanh chóng rút về Đồn Pha Long cùng đơn vị chiến đấu.

Khi tấn công sang khu vực Pha Long, địch triển khai chiến thuật cắt rời mảnh đất hình tam giác Pha Long ra khỏi thế trận liên hoàn của tỉnh.

Hai tiểu đoàn sơn cước vượt sông Xanh từ phía Đông tràn qua xã Dìn Chin đánh chiếm dãy đồi Ba cây thông ở ngoại vi phía nam Đồn, cắt đứt con đường dài 20km từ Pha Long đi Mường Khương, 2 tiểu đoàn bộ binh khác vượt mốc 16 ở phía tây chiếm lĩnh cao điểm Lao Táo.

Cùng lúc, ở hướng Bắc địch đánh vào trạm biên phòng Lồ Cố Chin cạnh mốc 21 là chốt cửa khẩu cách Đồn Pha Long 5km làm cho Đồn Pha Long rơi vào thế cô lập.

Lúc bấy giờ, đồn trưởng Mai Khánh Thát - Đồn Biên phòng Pha Long (trước kia là Đồn Cảnh sát vũ trang Hoàng Liên Sơn) đang trên đường từ Hà Nội nhận kế hoạch tác chiến trở về.

Lúc này, Thượng úy Trần Ngọc - Chính trị viên ngay lập tức chỉ huy anh em vào trận phòng ngự, đồng thời chốt chặn quanh pháo đài Lê Đình Chinh để cầm chân quân địch, kéo dài thời gian bố trí binh hỏa lực cho cuộc huyết chiến.

Từ ngày 17 đến ngày 20/2/1979, lính Trung Quốc đã tổ chức tấn công 20 lần, với 5 đợt lớn hy vọng đè bẹp sức kháng cự của chiến sĩ ta. Mặc dù thông tin liên lạc bị cắt đứt, vũ khí đạn dược thiếu thốn, lương thực thực phẩm cạn dần, nhưng cán bộ chiến sĩ Đồn Pha Long vẫn động viên nhau kiên quyết đánh địch đến viên đạn cuối cùng.

Có ngày, giữa ta và địch giành giật nhau từng mô đất, từng đoạn giao thông hào. Bộ đội ta dũng cảm chiến đấu, giữ vững trận địa.

“Đó là trận chiến của mưa bom, bão đạn. Quân Trung Quốc với binh, hỏa lực mạnh bao vây ta theo thế lòng chảo. Giữa bốn bề quân địch bao vây, quân ta phòng thủ quanh các hầm hào, lỗ châu mai. Vừa bộ binh, vừa hỏa lực, quân địch bắn phá liên tục suốt 4 ngày đêm”, Anh hùng Lê Khắc Xuân nhớ lại.

Lúc này, ông là chỉ huy, cùng 7 chiến sĩ lên mỏm đồi phía tây pháo đài Lê Đình Chinh, chốt cùng bộ phận cơ động ở đấy, nhằm đánh chặn địch không để chúng tiến xuống đường đi Mường Khương.

Sau khi tấn công bằng bộ binh, Trung Quốc liên tục nã pháo về phía bộ đội ta ở Pha Long.

“Chúng đánh liên tục, mỗi ngày đánh không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần đánh, chúng đều bắn pháo báo hiệu trước, rồi đạn bay xối xả như mưa trút về phía ta”, người lính già vẫn nhớ như in từng trận đánh.

Đồn Pha Long trước kia thuộc căn cứ của Pháp. Pháo đài và hầm hào, lỗ châu mai được xây dựng rất an toàn. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chiến đấu quyết liệt với quân địch, một số chiến sĩ đã hy sinh. Nhiều vị trí của đồn cũng bị bắn phá tan nát.

9h ngày 18/2/1979, lính Trung Quốc vây hãm Đồn Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) và không ngừng kêu gọi chiến sĩ ta đầu hàng. Nhưng, với tinh thần chiến đấu anh dũng, quân ta vẫn bình tĩnh, ngoan cường nổ súng vào quân xâm lược.

Từ phòng cơ yếu, chiến sĩ Nguyễn Duy Mạc liên tục mã điện báo cáo về tỉnh và Bộ Tư lệnh: “Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta. Lực lượng còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu, dù còn một người cũng chiến đấu” .

11 giờ 20 ngày 18/2/1979, bộ phận cơ yếu tỉnh bộ Công an Vũ trang Hoàng Liên Sơn cấp tốc truyền ngay mệnh lệnh chiến đấu của Ban chỉ huy tỉnh cho đồn Pha Long và đại đội 3 cơ sở biên phòng: “Đại đội 3 chi viện ngay cho đồn Pha Long để cùng phối hợp chiến đấu. Các đồng chí hãy nêu cao khí phách anh hùng, dù hy sinh cũng phải chiến đấu đến cùng, kiên quyết không đầu hàng địch, không để địch bắt sống”.

Tiếp đó, phòng Cơ yếu cũng mã ngay chỉ thị khẩn cấp của Bộ Tư lệnh cho Trung đoàn 16 cơ động biên phòng: “Điều ngay tiểu đoàn I ở Mường Khương triển khai cùng tác chiến với đồn Pha Long. Cho một đại đội khác tìm đường từ Xi Ma Cai lên Pha Long cùng chiến đấu. Nhận chỉ thị này thực hiện ngay không được chậm”.

Sau khi nhận điện từ Pha Long, chi viện đã được cấp tốc điều động, nhưng do bị vây đánh suốt mấy ngày khiến lương thực và đạn dược cạn dần, thương vong ngày càng nhiều.

Sáng 19/2/1979, quân địch tràn vào ngày một đông, đồn Pha Long đứng trước nguy cơ rơi vào tay giặc.

Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, 11h ngày 19/2, Thượng úy Trần Ngọc - Chính trị viên đã tập hợp các mũi nhọn, đồng thời chỉ đạo phòng Cơ yếu mã bức điện cuối cùng như lời vĩnh biệt: “Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”.

Nói về bức điện cuối cùng, anh hùng Lê Khắc Xuân ngậm ngùi kể lại: “Khi đó, tôi là một trong số đảng viên được chỉ huy tập hợp nhanh. Sau khi bức điện vĩnh biệt được gửi đi, từ phòng Cơ yếu, Thượng úy Ngọc hạ lệnh phá toàn bộ máy móc thông tin và hủy tài liệu cơ yếu. Sau đó, qua thống nhất, chúng tôi quyết định làm thủ tục chôn cất đồng đội xong xuôi sẽ mở “con đường máu” để rút về hồi cứ ở Suối Thầu”.

Ngay trong đêm 19/2/1979, tranh thủ lúc quân địch nghỉ, các chiến sĩ đồn Pha Long tổ chức chôn cất và an táng cho hàng chục đồng đội rồi vội vã lên đường.

Cho đến tận bây giờ, nỗi đau trong lòng vị Anh hùng đó chính là đêm chôn cất đồng đội. Ông không nhớ đã có bao nhiêu đồng đội nằm lại nơi chiến trường, nhưng đêm 19/2 quả là một đêm kinh hoàng nhất trong cuộc đời ông.

“Có anh em bị bắn suốt mấy ngày trước đó rồi, nhưng trước khi rút chúng tôi phải làm chính sách liệt sĩ cẩn thận. Xong xuôi mới mở đường cùng đưa toàn bộ anh em rút về hồi cứ”, người lính già rưng rưng nước mắt nhớ lại.

Văn Tùng - Xuân Trường - Thanh Tùng (Đồ hoạ: Đào Hiếu)

Tin mới