Kun Khmer còn có tên gọi là Pradal Serey, là môn võ thuật truyền thống của Campuchia. Trong tiếng Campuchia, Kun có nghĩa là võ, Khmer có nghĩa là người Khmer - vì vậy tên gọi Kun Khmer hiểu đơn giản là "võ thuật của người Khmer". Trong khi đó, Pradal Serey nghĩa là "đánh tự do".
Đây là một trong 2 môn võ truyền thống của người Campuchia (môn còn lại là Bokator, cũng được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games 32). Kun Khmer, hay Pradal Serey, được cho là xuất hiện từ thế kỷ IX với hình ảnh được khắc trên những ngôi đền cổ. Đền Angkor Wat nổi tiếng cũng có hình ảnh chiến binh đấu Kun Khmer với nhau.
Kun Khmer và Muay Thái tạo nên tranh cãi gay gắt.
Tuy nhiên, phần lớn tài liệu về môn Kun Khmer đã thất lạc trong chiến tranh. Trong thời Khmer Đỏ, môn Kun Khmer gần như bị xóa sổ và chỉ được khôi phục, phát triển trong khoảng 15 năm gần đây.
Trong môn Kun Khmer, các võ sĩ sử dụng tất cả các đòn đá, đấm, lên gối, cùi chỏ. Trong đó, đòn chỏ phổ biến nhất. Kỹ thuật đòn chỏ là điểm khác biệt chính giữa Kun Khmer và Muay Thái. Trên các khía cạnh khác, 2 môn thể thao này có nhiều điểm tương đồng.
Những tranh cãi về nguồn gốc thực sự của Kun Khmer và Muay Thái diễn ra trong nhiều năm qua. Người Campuchia cho rằng Muay Thái bắt nguồn từ Kun Khmer, trong khi những người ủng hộ Muay Thái lại cho rằng Kun Khmer chỉ là "bản sao".
Theo các tài liệu lịch sử, chứng tích về nguồn gốc của Kun Khmer đã bị phá hủy trong cuộc chiến tranh vào thế kỷ XV. Vì thế, rất khó để đôi bên chứng minh môn võ này có xuất phát điểm từ đâu. Năm 1995, Campuchia từng đề xuất thay đổi tên gọi đối với những môn võ có hình thức giống nhau (Kun Khmer và Muay Thái) thành "Sovannaphum", có nghĩa là "vùng đất vàng".
Tuy nhiên, Thái Lan đã bác bỏ đề xuất này. Cho đến nay, Muay Thái đã phát triển rất mạnh và vươn tầm thế giới. Trong khi cái tên Kun Khmer vẫn còn xa lạ đối với hầu hết người theo dõi võ thuật Việt Nam.
Trước SEA Games 32, Campuchia đã gạch tên Muay Thái và sử dụng Kun Khmer thay thế. Quyết định này tạo nên tranh cãi rất lớn. Ban đầu, ban tổ chức lựa chọn tên gọi "Muay", nhưng bị chính người dân Campuchia phản đối.
Khi chính thức điền tên Kun Khmer, đến lượt phía Thái Lan phản ứng dữ dội và quyết định không gửi vận động viên tranh tài tại SEA Games 32. Thậm chí, võ sĩ người Campuchia Channa Chen đã phải bỏ cuộc khi đang tham dự giải đấu tại Thái Lan để về nước trước làn sóng phản ứng dữ dội.
Liên đoàn Muay Thái thế giới (IFMA) còn gửi lệnh cấm các quốc gia thành viên (bao gồm Việt Nam) gửi vận động viên tham dự môn Kun Khmer tại SEA Games 32. Tuy nhiên, vẫn có 5 quốc gia đăng ký tham dự môn này gồm Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Lào và Campuchia. Trong đó, đội tuyển Kun Khmer tranh tài với 17 vận động viên và 4 huấn luyện viên.
Môn Kun Khmer được tổ chức từ ngày 6 đến 14/5. Việt Nam tham dự 17/19 nội dung (15 đối kháng và 2 quyền) với mục tiêu giành ít nhất 3 huy chương vàng.