Người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu cho biết, Kosovo và Serbia đã đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt tranh chấp gần hai năm về biển số xe hơi ở miền bắc Kosovo, mà phương Tây đã cảnh báo là có thể gây ra bạo lực sắc tộc.
"Chúng tôi đã có một thỏa thuận", ông Josep Borrell đăng trên Twitter sau khi đạt được thỏa thuận tại Brussels dưới sự hòa giải của EU.
Một tài xế gỡ nhãn dán che dấu hiệu quốc gia trên biển số ô tô, tại cửa khẩu biên giới Jarinje, Kosovo ngày 1/9/2022. (Ảnh: Reuters/Ognen Teofilovski/File Photo)
"Rất vui mừng thông báo rằng các trưởng đoàn đàm phán của Kosovo và Serbia dưới sự hỗ trợ của EU đã đồng ý về các biện pháp để tránh leo thang hơn nữa và tập trung hoàn toàn vào đề xuất bình thường hóa quan hệ".
Trước đó, vào 21/11, Thủ tướng Kosovo Albin Kurti và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic không thể đạt được thỏa thuận và Kosovo buộc phải trì hoãn việc bắt đầu phạt các tài xế trong 48 giờ sau khi có yêu cầu của Mỹ.
"Serbia sẽ ngừng cấp biển số cho các khu vực của thành phố Kosovo và Kosovo sẽ ngừng các hành động tiếp theo liên quan đến đăng ký lại phương tiện", Borrell viết.
Borrell cho biết ông sẽ mời cả hai bên trong những ngày tới để thảo luận về đề xuất của EU, được cả Pháp và Đức ủng hộ, cho phép hai bên bình thường hóa quan hệ.
Kosovo trong năm nay cố gắng yêu cầu cộng đồng thiểu số người Serb của họ đổi biển số ô tô cũ có từ trước năm 1999, khi Kosovo vẫn còn là một phần của Serbia. Người Serb ở phía bắc nước này đã phản kháng, đôi khi rất bạo lực.
Khoảng 50.000 người dân tộc Serb sống ở đó từ chối công nhận chính quyền Pristina và vẫn coi mình là một phần của Serbia.
Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani cảm ơn Washington về thỏa thuận. "Sự hỗ trợ của họ cho quá trình đối thoại giữa Kosovo và Serbia là không thể thiếu. Kosovo rất biết ơn", Osmani viết trên Twitter.
Bất đồng với vấn đề biển số xe hơi, gần 600 sĩ quan cảnh sát thuộc cộng đồng thiểu số người Serb, tiếp theo là các thẩm phán, công tố viên và các công chức nhà nước khác đã nghỉ việc trong tháng này.
Vẫn chưa rõ liệu họ có được phép quay lại làm việc hay không.
Vào năm 2013, Kosovo và Serbia cam kết tham gia một cuộc đối thoại do EU tài trợ để giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn tại giữa họ, nhưng tiến triển không nhiều.
Kosovo năm 2008 tuyên bố độc lập - được khoảng 110 quốc gia công nhận nhưng không được Serbia, Nga, Trung Quốc và 5 quốc gia thành viên EU công nhận.
NATO vẫn có khoảng 3.700 binh sĩ gìn giữ hòa bình trên mặt đất để duy trì nền hòa bình mong manh.