Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kịp cứu bé trai bị ngộ độc, máu chuyển sang màu nâu

(VTC News) -

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, đơn vị đang điều trị cho một bé trai nhập viện trong tình trạng nguy kịch, môi và các đầu chi tím tái do ngộ độc.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi 8 tuổi (Long Mỹ, TP Cần Thơ), nhập viện lúc 13h30 ngày 20/4 với chẩn đoán rối loạn nhịp tim, theo dõi ngộ độc MetHemoglobin.

Theo chia sẻ của người nhà, cách nhập viện 1 tuần, bệnh nhi đi khám da liễu được bác sĩ cho uống thuốc và thoa thuốc không rõ loại trong 1 tuần. Thời gian này bé vẫn khỏe mạnh.

Đến chiều 19/4, bệnh nhi than mệt, môi và các đầu ngón tay, chân bị tím tái nên người nhà đưa bé vào Bệnh viện Long Mỹ (TP Cần Thơ). Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Test nhanh tại Bệnh viện, các bác sĩ nhận thấy máu của bệnh nhi có màu nâu, không đỏ lại khi tiếp xúc không khí nên nghi ngờ bị ngộ độc Methemoglobin. Do tình trạng bệnh nhi nặng và không có thuốc giải độc đặc hiệu nên các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã chuyển ngay bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để cấp cứu.

Bé trai đã ổn định trở lại. (Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Rất may mắn, Bệnh viện Nhi đồng 1 còn 1 ống thuốc giải độc Methylen Blue nên bệnh nhi đã được tiêm ngay.

Sau khi tiêm thuốc vài phút, môi bệnh nhi đã hồng hào trở lại, các đầu chi hết tím, nhịp tim bình thường, độ bão hòa oxy trong máu tăng lên rõ rệt. Định lượng nồng độ MetHb trong máu sau khi tiêm thuốc giải độc chỉ còn 0,9% (bình thường 0-3%).

Theo PGS Phạm Văn Quang, Bệnh viện Nhi đồng 1, ngộ độc MetHemoglobin thường do uống, tiếp xúc các thuốc và hóa chất gây Methemoglobin thường gặp như Nitrites có trong củ dền, nước giếng. Ngoài ra, độc chất này cũng được tìm thấy trong thuốc súng Chlorates, thuốc chữa bệnh, thuốc diệt cỏ có Propanil, thuốc nhuộm Anilin.

Triệu chứng thường gặp của ngộ độc Methemoglobin là môi và các đầu chi xanh tím. Ở thể nặng, trẻ có dấu hiệu tím tái toàn thân, suy hô hấp.

Người bị ngộ độc Methemoglobin được điều trị bằng thuốc giải độc Methylen Blue. Tuy nhiên, thuốc Methylen Blue rất hiếm nên việc điều trị các trường hợp ngộ độc Methemoglobin nặng gặp nhiều khó khăn.

Trong tình huống này, thay máu bằng hồng cầu lắng là giải pháp điều trị hiệu quả.

MAI THÚY

Tin mới