Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kính viễn vọng James Webb cho thấy cách những 'Trái Đất' mới được tạo ra

Va chạm thiên hà vốn xảy ra khá thường xuyên trong vũ trụ, là sự kiện chết chóc mà ngay cả Trái Đất cũng không thể tránh khỏi "số phận" này.

Kính viễn vọng không gian James Webb do NASA điều hành chính bên cạnh sự hỗ trợ của ESA và CSA (cơ quan vũ trụ của châu Âu và Canada) đã tiết lộ hình ảnh chi tiết nhất từ trước đến nay về một vụ va chạm thiên hà cực dữ dội.

Theo tờ Space, hai thiên hà trong bức ảnh đã nối liền nhau tạo thành thiên hà mới có tên chung là IC 1623, nhưng chưa thực sự hợp nhất hoàn toàn. Cuộc đụng độ trước đây từng được ghi lại sơ bộ bởi một số kính thiên văn khác như Hubble, nhưng bí mật thật sự của nó chỉ thực sự được phơi bày trước "mắt thần" của James Webb.

Thiên hà hợp nhất IC 1263 cách chúng ta tận 270 triệu năm ánh sáng, thuộc chòm sao Kình Ngư, đã phơi bày cực rõ ràng trước "mắt thần" của James Webb. (Ảnh: NASA/ESA/CSA)

Với khả năng quan sát xuyên qua các lớp khí bụi mờ, James Webb đã tiết lộ một trung tâm phát sáng rực rỡ của thiên hà hợp nhất, nơi ánh sáng hồng ngoại nóng bỏng không ngừng tuôn ra.

Mô hình phát sáng này từng được nghiên cứu trước đó, và là lời khẳng định cho một quá trình hình thành sao mạnh mẽ vừa được khởi động.

Va chạm và hợp nhất thiên hà có thể hủy diệt nhiều ngôi sao và hành tinh, nhưng hình ảnh mới cho thấy nó cũng giúp cặp thiên hà "hồi xuân", bắt đầu hình thành sao mạnh mẽ với tốc độ lên tới 20 lần so với thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà).

Để khám phá hiện tượng, James Webb phải sử dụng tới 3 trong số 4 công cụ quan sát tối tân gắn trên nó là máy ảnh MIRI, NIRCam và máy quang phổ NIRSpec, được phát triển trong sự hợp tác giữa NASA và ESA.

Nghiên cứu về vụ hợp nhất vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal.

Va chạm thiên hà vốn xảy ra khá thường xuyên trong vũ trụ, là một sự kiện chết chóc mà ngay cả Trái Đất cũng không thoát khỏi "số phận".

Trong những thập kỷ trước người ta từng tin địa cầu sẽ tuyệt chủng khi Mặt Trời chết đi - khoảng 5 tỷ năm tới - nhưng vài năm về trước khoa học đã chứng minh "ngày tận thế" sớm hơn nhiều, chỉ 2 tỷ năm, khi thiên hà chứa Trái Đất và chạm với thiên hà Tiên Nữ khổng lồ hiện lao tới chúng ta với tốc độ đáng sợ.

"Quái vật" Milky Way từng nuốt gọn một cách bình yên khoảng 16 thiên hà nhỏ hơn, theo các nghiên cứu. Nhưng vụ va chạm với Tiên Nữ sẽ thảm khốc hơn, ít nhất làm Trái Đất văng khỏi "vùng sự sống" của hệ Mặt Trời.

Tương lai đó, có thể được tái hiện trong hình ảnh vừa công bố của James Webb.

Tuy sự kiện đó có thể khiến hành tinh của chúng ta và nhiều hành tinh có sự sống đang hiện hữu ở Milky Way tuyệt chủng, nhưng nhìn chung sẽ không làm vũ trụ chết chóc hơn vì sự hình thành sao mạnh mẽ sẽ đi kèm với những hành tinh tương lai xuất hiện quanh "nghĩa địa" cũ của vụ va chạm.

Nguồn: Báo Người Lao Động

Tin mới