Trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang bị đe dọa bởi nhiều nguy cơ, như ô nhiễm nước, không khí, ô nhiễm chất thải nhựa, khủng hoảng nguyên vật liệu... việc tạo ra những giải pháp dài hạn, căn bản là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tương lai bền vững cho nhân loại.
Kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp mang lại hướng phát triển bền vững ấy. Mô hình sản xuất - thu gom - tái chế để khép kín chu trình kinh tế giúp đạt mục tiêu kép: giảm phát thải ra môi trường, đồng thời tiết kiệm nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho doanh nghiệp.
Ngồi trong căn nhà kho cũ, Derrick Gaddis đang ngồi kiểm tra lại thiết bị khai thác và vận chuyển gỗ. Hai trong số những máy móc hạng nặng của Gaddis sắp hết hạn sử dụng, cần phải thay thế bằng thiết bị mới. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất vào thời điểm đó đã chuyển hướng sang các mô hình khai thác với quy mô lớn hơn, không còn phù hợp với thiết bị mà Gaddis đang sử dụng.
Derrick Gaddis cùng các đồng sở hữu của Công ty Henderson Timber (có trụ sở tại Sigel, Illinois, Mỹ) đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu John Deere, nhà sản xuất ban đầu của máy khai thác gỗ, có thể tái sản xuất thiết bị này, sửa chữa và nâng cấp cho phù hợp với công nghệ hiện tại?
Như vậy, chiếc máy vừa không bị vứt bỏ lãng phí ra môi trường, vừa có thể trở thành nguyên liệu đầu vào hoàn hảo cho một thiết bị mới.
Đó là nguyên lý của ngành tái sản xuất, vốn đang phát triển chóng mặt tại Mỹ. Nguyên lý của tái sản xuất là đưa các sản phẩm hoặc thành phần, cho dù bị hư hỏng hoặc đã hết thời gian sử dụng, sang tình trạng như mới. Tuy nhiên, thay vì tái chế hoặc chỉ đơn thuần là tân trang sản phẩm về trạng thái ban đầu, quy trình này còn nâng cao sản phẩm để làm cho chúng trở nên phù hợp với công nghệ mới nhất.
Thiết bị xử lý tại nhà máy biến chất thải hữu cơ thành phân trộn, khí sinh học và chất lỏng giàu dinh dưỡng để nuôi tảo. (Ảnh: New York Times)
"Tái sản xuất là giải pháp thông minh để vận hành, phát triển quá trình sản xuất mà không tạo ra nhiều chất thải. Sự phát triển của công nghệ cho phép việc tái sản xuất phát triển mạnh mẽ hơn. Cần nhớ, phần lớn lượng khí thải và chất thải trong sản xuất đến từ quá trình khai thác và chế biến vật liệu", ông Nabil Nasr, chuyên gia tại Viện Công nghệ Rochester chia sẻ với New York Times.
Tuy nhiên, tái sản xuất không phải khía cạnh "độc quyền" của sản xuất máy móc hay công nghiệp nặng. Rất nhiều lĩnh vực có thể ứng dụng chu trình lấy đầu ra của ngành này làm đầu vào cho ngành khác, trong đó có sản xuất thực phẩm.
Tại Mỹ, nhiều doanh nghiệp tái chế biến chất thải hữu cơ thành phân trộn, khí sinh học và một chất lỏng giàu dinh dưỡng để trồng tảo. Mô hình khép kín này tạo ra ít hoặc không có chất thải vì mọi vật liệu sẽ được tái sử dụng, tân trang hoặc tái chế để tiếp tujc trở thành đầu vào phục vụ cho những hoạt động khác.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu Mỹ, nền kinh tế sản xuất tuyến tính toàn cầu dựa vào hóa chất và nhiên liệu để sản xuất, vận chuyển thực phẩm có thể gây ra từ 21% - 37% lượng khí thải nhà kính trên toàn thế giới. Dù vậy, khi mô hình tuần hoàn nói trên được đưa vào thực tế sản xuất thực phẩm, mức tiêu thụ năng lượng và phát thải sẽ được giảm xuống mức đáng kể.
Các trang trại được tưới nước nhờ hệ thống vận hành bằng pin mặt trời, khí carbon dioxide từ quá trình lên men bia được sử dụng để kích thích sự phát triển của thực vật và tảo. Nước thải từ các công ty sản xuất đá thủ công được lọc và tái sử dụng để tưới vườn, nuôi cá và rùa.
Khí lên men trong quá trình ủ bia được sử dụng để kích thích sự phát triển của thực vật và tảo. (Ảnh: New York Times)
Đó chỉ là một trong hàng nghìn ví dụ về kinh tế tuần hoàn. Đây là khái niệm được David Pearce và Kerry Turner sử dụng lần đầu vào năm 1990, được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản "mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác", hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.
Kinh tế tuần hoàn biến chất thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn có khả năng diễn ra nhanh hơn so với các chuyển biến kinh tế trước đây.
Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn được chính phủ các nước châu Âu hậu thuẫn mạnh. Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn để làm cho châu Âu sạch hơn và sở hữu nền kinh tế cạnh tranh hơn. Ngoài ra, áp lực xã hội buộc các doah nghiệp phải quan tâm nhiều hơn đến biến đổi khí hậu và có trách nhiệm với môi trường.
Theo dự đoán của Gartner Research, các chuỗi cung ứng sẽ không được phép tạo ra chất thải vào năm 2029 bởi đó là điều không thể chấp nhận với chính phủ các nước và người tiêu dùng. WEF kỳ vọng đến năm 2030, kinh tế tuần hoàn sẽ không chỉ đóng vai trò chủ đạo, mà nó sẽ là nền kinh tế duy nhất.
Theo Future Planet, kinh tế tuần hoàn là xu hướng của toàn nhân loại bởi những ưu điểm vượt trội.
Điểm mạnh đầu tiên của mô hình tuần hoàn là thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Nghiên cứu do Accenture thực hiện cho thấy nền kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra thêm 4,5 nghìn tỷ USD sản lượng kinh tế vào năm 2030 nhờ tạo ra việc làm và đổi mới.
Tất nhiên, nhiều lợi ích kinh tế cần có thời gian để được cụ thể hóa, đồng thời việc tiếp cận những cơ hội này với tầm nhìn dài hạn là rất quan trọng. Dù vậy, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình này, lợi ích của kinh tế tuần hoàn sẽ sớm được thể hiện.
Kinh tế tuần hoàn cũng tạo ra việc làm. Báo cáo năm 2018 của Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy mô hình này có thể tạo ra thêm 6 triệu việc làm vào năm 2030. Việc làm cũ sẽ bị mất trong các ngành kinh tế dựa trên mô hình tuyến tính truyền thống, trong khi việc làm mới sẽ được tạo ra trong các lĩnh vực như tái chế, sửa chữa, cho thuê và tái sản xuất. Tuy nhiên, những công việc mới này không thay thế trực tiếp vì đòi hỏi những kỹ năng khác với những công việc cũ.
Bằng cách chuyển sang mô hình tuần hoàn, các doanh nghiệp sử dụng ít nguyên liệu thô hơn và có nhiều sản phẩm tái chế hơn. Điều này làm giảm khả năng phụ thuộc của doanh nghiệp vào giá nguyên liệu biến động và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đồng thời tăng khả năng phục hồi và đạt được lợi thế cạnh tranh so với các công ty theo mô hình tuyến tính truyền thống.
Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất của kinh tế tuần hoàn là thân thiện với môi trường, giảm lượng rác thải khổng lồ đổ ra tự nhiên. Theo nghiên cứu của Future Planet, khoảng 300 triệu tấn chất thải nhựa được sản xuất mỗi năm. Chất thải nhựa không chỉ gây thiệt hại cho hệ sinh thái và sức khỏe con người, mà là nguồn tài nguyên đáng giá mà nền kinh tế tuyến tính hiện tại không tận dụng được.
Bằng cách thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp có thể giảm đáng kể lượng chất thải được sản xuất, tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra các ngành công nghiệp mới nhằm quản lý tốt hơn chất thải được sản xuất.
Một nghệ sĩ ở Jordan tạo ra tác phẩm nghệ thuật từ các chai nhựa đã qua sử dụng. (Ảnh: Khalil Mazraawi)
Ngoài ra, mô hình kinh tế tuyến tính hiện tại ngày càng sử dụng nhiều tài nguyên và không mang tới lợi ích bền vững. Việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn, thay đổi từ việc sử dụng chủ yếu tài nguyên nguyên chất trong sản xuất sang tập trung nhiều hơn vào các hoạt động tái chế, sửa chữa và tái sản xuất, sẽ giúp giảm bớt nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu thô.
Giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên chính là mục tiêu cốt lõi của kinh tế tuần hoàn.
Trong khuôn khổ Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, tháng 6/2022, Bộ Tài Nguyên - Môi trường và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã khai trương Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam.
Cũng trong tháng 6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của đề án là góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Đề án hướng tới tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.
Đến năm 2025, các dự án kinh tế tuần hoàn bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; đóng góp vào phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tăng cường tỷ lệ tái chế rác thải, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xuất khẩu.
Bên trong một nhà máy tái sản xuất thiết bị kỹ thuật tại Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg)
Đến năm 2030, các dự án kinh tế tuần hoàn trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo và trong tăng cường tỷ lệ che phủ rừng.
Về cơ bản, Việt Nam đang chuẩn bị các bước mang tính nền tảng để thực hiện kinh tế tuần hoàn. 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
Là thành viên của PRO Vietnam, Công ty TNHH La Vie, một thành viên của Tập đoàn Nestlé, đã có sáng kiến sử dụng nhựa tái chế (R-PET) trong các sản phẩm.
Từ năm 2018, La Vie là công ty đầu tiên loại bỏ màng co nắp chai vì đây là phần bao bì khó thu gom và dễ thải ra môi trường. Năm 2019, La Vie lần đầu ra mắt sản phẩm sử dụng chai thủy tinh và đầu tư quy trình để thu gom & tái chế hoàn toàn vỏ chai sau sử dụng. Mục tiêu của Lavie là phấn đấu có thể tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm tới năm 2025.
"Nhựa phế thải là một trong những vấn đề lớn gây ảnh hưởng tới môi trường bền vững mà thế giới ngày hôm nay đang phải đối mặt. Giải quyết vấn đề này cần có hướng tiếp cận một cách tổng thể. Chúng tôi cam kết sẽ tìm ra những giải pháp tốt hơn để giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế bao bì. Tham vọng của chúng tôi là tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm", Tổng Giám đốc Tập đoàn Nestlé, ông Mark Schneider, cho biết.
Dù vậy, kinh tế tuần hoàn không chỉ được vận hành chỉ với một vài doanh nghiệp. Điều kiện cần và đủ để thay đổi nền kinh tế, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường nằm ở tính pháp lý và vai trò quản lý nhà nước.
"Việt Nam đã có những nội dung chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn trong một số bộ luật hiện hành. Tuy nhiên, để có thể thực sự tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế tuần hoàn có thể "cất cánh", việc xây dựng riêng một bộ Luật kinh tế tuần hoàn là cần thiết.
Việc xây dựng và thông qua Luật kinh tế tuần hoàn nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, thu hút, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, địa phương trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế", ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.
Bên cạnh đó, thách thức lớn trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là chi phí thu hồi giá trị từ chất thải, tạo ra gánh nặng lớn cho nhà sản xuất. Doanh nghiệp không chỉ cần hành lang pháp lý, mà còn cần những chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững.
"Để đảm bảo tái chế, xử lý rác thải nhựa nhằm ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường, các doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn. Chi phí tái chế cao tạo ra gánh nặng tài chính, khiến việc thúc đẩy mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất với các sản phẩm nhựa gặp nhiều khó khăn. Đầu tư cho tái chế, nhiều khi doanh nghiệp còn lỗ vốn.
Để đảm bảo nghĩa vụ với môi trường, các doanh nghiệp phải tăng giá thành sản phẩm. Mỗi người tiêu dùng sẽ phải trả thêm một phần chi phí. Khi có dòng tiền, nhà đầu tư mới có thể tham gia cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường", ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam chia sẻ.