Tốc độ tăng trưởng chậm lại rõ rệt là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải gánh chịu hậu quả từ lạm phát dai dẳng ở mức cao và các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ vừa qua của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED).
Theo các chuyên gia kinh tế, phần lớn tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ tập trung vào tháng 1 khi thời tiết ấm áp hơn bình thường hàng năm nhưng đã giảm mạnh trong tháng 3 vừa qua. Mặc dù chi tiêu hộ gia đình tăng 3,7% trong quý I so với ba tháng cuối năm ngoái nhưng doanh số bán lẻ giảm mạnh do lạm phát và chi phí đi vay cao hơn ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Ngoài ra, hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi tháng trước cũng như lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính khác cũng khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại do chi phí đi vay cao hơn và tiêu dùng ít hơn. Trước đó, giới kinh tế Mỹ dự báo nước này sẽ đạt mức tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 2% trong quý đầu tiên, thấp hơn so với mức 2,6% của quý IV năm ngoái.
Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)
Giới chuyên gia Tập đoàn tư vấn Morning Consult nhận định, nếu chi tiêu hộ gia đình và người tiêu dùng không tăng lên thì nền kinh tế Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ biến động và bất ổn nhiều hơn từ nay đến cuối năm. Với xu hướng này, nền kinh tế Mỹ đang có nhiều dấu hiệu xấu đi nhanh chóng, được dự báo chỉ tăng trưởng mức cao nhất là 1,8% trong quý tới.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng đặt ra thách thức chính trị nghiêm trọng đối với Tổng thống Biden khi ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Thành công của ông Biden có thể phụ thuộc phần nào vào sức mạnh cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới.