Một trong những yếu tố không thể thiếu được của các chuyến đi bằng xe hai cầu là lội qua các rãnh nước, suối cạn... Cần kiểm tra khả năng lội nước tối đa của xe do nhà sản xuất quy định, thông thường là đến giữa bánh xe (khoảng 30-40cm). Một số mẫu xe có khả năng lội nước rất tốt tại Việt Nam, lên tới 80cm (Ford Ranger, Everest), 70cm (Toyota Fortuner, Hilux...). Đây là độ sâu tối đa chiếc xe hai cầu có thể vượt qua mà không cần sự chuẩn bị đặc biệt gì. Tuy thế, vẫn nên tham khảo các hướng dẫn sau để đảm bảo vượt suối an toàn.
Trước khi cho xe lội nước, cần kiểm tra độ sâu, tốc độ dòng chảy, tính chất của đáy suối (đất/đá/bùn)... Nếu nước quá sâu (độ sâu vượt quá định mức lội nước của xe), chảy quá mạnh (không thể tự lội bộ qua suối), có nhiều bùn dưới đáy thì bạn không nên cố thử lội qua.
Trước khi cho xe lội xuống nước, cần kiểm tra các lỗ thông hơi của động cơ.
Trước khi cho xe lội xuống nước, cần kiểm tra các lỗ thông hơi của động cơ, ống xả, hộp số, cầu trước và sau xem có thể bịt kín được không, hoặc có thể dùng ống cao su để nối lên cao được không. Nếu có thể, nên bịt kín hoặc nối dài các lỗ thông hơi này để tránh bị nước chui vào, có thể gây thiệt hại cho các bộ phận cơ khí bên trong.
Gài cầu trước khi lội xuống nước, khóa vi sai trung tâm (nếu có).
Lựa chọn số thích hợp trước khi lội xuống nước. Có thể dùng số 2 (xe số sàn) hoặc ở chế độ 2L (xe có tính năng gài cầu điện tử), tiến xuống từ từ và giữ tốc độ ổn định để tránh gây ra các sóng nước bắn tung tóe có thể làm xe bị chập điện.
Không nên đi xe nhanh để nước tung toé sang 2 bên, gây chập điện.
Khi đã hoàn toàn ở dưới nước, cần giữ tốc độ phù hợp để có thể tạo ra một làn sóng ở phía trước mũi xe, và có thể đi cùng tốc độ với làn sóng ấy. Như vậy khả năng nước làm chập điện sẽ ít nhất, đồng thời làn sóng cũng sẽ tạo ra một lực cuốn giúp xe có thêm đà khi cần.
Nếu có thể, nên lội nước theo một góc chéo ngược với hướng nước chảy để cân bằng lực đẩy của nước vào thân xe.
Nếu xe bị chết máy khi đang lội nước, tuyệt đối không khởi động lại. Việc khởi động lại động cơ có thể làm cho nước bị hút vào buồng đốt. Nước thì không nén được như không khí nên trong kỳ nén của động cơ sẽ làm gãy tay biên, thủng nắp xy lanh... gây thiệt hại rất nặng cho động cơ. Cách tốt nhất nên làm lúc này là gọi cứu hộ.
Sau khi lội nước, cần kiểm tra bộ lọc gió, dầu động cơ, hộp số, cầu xem nước có vào không. Nếu bị nước vào, có thể xả bớt dầu ở đáy cho đến khi hết nước. Nếu cần thiết thì phải xúc rồi thay toàn bộ dầu. Các khớp dẫn động của cầu cần được bơm thêm mỡ sau khi lội nước.