Cầm vô lăng
Theo các tài xế có kinh nghiệm, lái xe cần coi vô lăng như một mặt đồng hồ, đặt tay phải ở vị trí 3h còn tay trái ở vị trí 9h. 4 ngón tay ôm vào vành vô lăng, ngón tay cái đặt dọc theo vành vô lăng. Cách cầm vô lăng như vậy sẽ tối ưu hóa kiểm soát, đảm bảo an toàn và khả năng đánh lái cũng như điều khiển các bộ phận khác như đèn, xi nhan, cần gạt mưa, cần số, còi...được dễ dàng hơn.
Khi tư thế ngồi và tư thế cầm vô lăng đều đã chuẩn, vai và tay của tài xế được thả lỏng, giúp lái xe trong thời gian dài nhưng không bị mỏi và cứng người. Tài xế cũng có thể hạ xuống vị trí 4h và 8h để thư giãn hơn.
Tài xế cần chú ý không đặt tay ở vị trí cao, vì khi xảy ra va chạm, túi khí được kích hoạt và đẩy ra với một lực cực mạnh. Nếu lái xe để tay sai tư thế trong trường hợp này sẽ khiến tui khí bung ra, đẩy tay đập vào mặt hoặc khiến lái xe bị thương nặng hơn.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, tài xế không nên nắm vô lăng chặt cứng, mà chỉ nắm vừa đủ lực để có thể kiểm soát vô lăng. Nếu nắm quá chặt, tài xế khó cảm nhận sự phản hồi, đồng thời cũng nhanh bị mỏi và mất sức.
Bên cạnh đó, nếu nắm chặt vô lăng, tài xế sẽ phải dùng nhiều sức hơn và có thể khiến chiếc xe bị lệch đi nhiều hơn so với mong muốn. Vì thế, việc nắm vô lăng nhẹ nhàng sẽ giúp các thao tác sửa lái dễ dàng hơn.
Vần vô lăng
Thao tác vần vô lăng được thực hiện bằng cách nhẹ nhàng đánh lái theo chiều uốn lượn của đường. Chẳng hạn như khi rẽ trái, tay trái của tài xế sẽ kéo vô lăng theo hướng đi xuống, còn tay phải nắm hờ để vô lăng trượt qua. Khi tay trái của lái xe đã chạm đến điểm thấp nhất, ngưng không dùng tay trái nữa mà để tay phải nắm lấy vô lăng và tiếp tục. Cùng lúc đó, tay trái đưa trở về điểm cao nhất, sẵn sàng thực hiện thao tác tiếp khi tay phải chạm đến điểm này.
Cầm vô lăng nên để lỏng để dễ điều chỉnh. (Ảnh minh họa).
Nguyên tắc thực hiện đúng thao tác này là mỗi bàn tay lái xe chỉ phụ trách một nửa vô lăng, phân chia ở đỉnh và đáy của vô lăng. Điều đáng nói, khi đánh lái, tay phải không được lấn sang phạm vi của tay trái và ngược lại. Điều này cũng có nghĩa là tài xế không được áp dụng các thao tác đánh lái bắt chéo tay khi lái xe hàng ngày. Việc bắt chéo tay giúp tài xế xử lý nhanh, nhưng sẽ chặn đường bung của túi khí khi xảy ra tai nạn.
Hiện nay đa số mẫu xe đều có trợ lực vô lăng, khiến thao tác đánh lái trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng hơn. Chính vì thế nhiều tài xế thường có thói quen để vô lăng xe tự trả lái sau khi ra khỏi khúc cua. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không nên làm vậy, mà phải luôn kiểm soát vô lăng và chủ động trả lái lại về vị trí thẳng.
Nếu để xe tự trả lái, tài xế sẽ mất một khoảng thời gian không xác định chính xác vị trí nào của vô lăng tương ứng với hướng nào của 2 bánh trước, sau đó lại cần thêm thời gian mới kiểm soát được.
Đánh lái
Nhiều lái xe gặp khó khăn khi cần đánh giá chính xác chiều rộng chiếc xe ô tô, mà tài xế thường hình dung chiếc xe rộng hơn thực tế nên dễ thấy nhiều trường hợp lái xe không dám đi vào đường hơi chật hẹp hoặc chật vật tìm lối ra khỏi chỗ đỗ xe, mặc dù quan sát từ bên ngoài, không gian vẫn đủ rộng cho chiếc xe di chuyển.
Vì thế tài xế nên dành thời gian làm quen với chiếc xe bằng cách tập canh đầu xe, đuôi xe với các chướng ngại vật xung quanh. Khi đã nhận thức đúng đắn về việc này, lái xe sẽ không ngại phải luồn lách trên đường phố đông đúc vào giờ cao điểm. Từ đó giúp tài xế vần vô lăng đạt độ chính xác cao và nhuần nhuyễn hơn.