Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kinh doanh truyền hình qua mạng: DN ngoại nhởn nhơ, kiểm soát thế nào?

(VTC News) -

Những nền tảng xuyên biên giới như Youtube, Netflix, iFlix, iQIYI, WeTV, Disney… đang lấy đi phần lớn khách hàng và doanh thu của ngành truyền hình tại Việt Nam.

Để quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ OTT TV của những doanh nghiệp xuyên biên giới tại Việt Nam thì cơ quan quản lý cần phải triển khai các giải pháp căn cơ.

Doanh thu quảng cáo "chạy" vào túi nền tảng xuyên biên giới

Những nền tảng xuyên biên giới như Youtube, Netflix, iFlix, iQIYI, WeTV, Disney… đang lấy đi phần lớn khách hàng và doanh thu của ngành truyền hình tại Việt Nam. Liên tiếp trong vòng nhiều năm trở lại đây, các đài truyền hình tại Việt Nam đang mất đi trung bình từ 15-25% doanh thu quảng cáo mỗi năm.

Trong bối cảnh đó, xu thế chung của các nhà đài là cắt giảm nhân sự, quỹ lương, cắt giảm các hợp đồng mua bản quyền, cắt giảm kênh và chuyển nội dung sang các nền tảng mới như OTT.

Những nền tảng xuyên biên giới như Youtube, Netflix, iFlix, iQIYI, WeTV, Disney… đang lấy đi phần lớn khách hàng và doanh thu của ngành truyền hình tại Việt Nam.

Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng nhận định, mạng xã hội và các phương thức truyền thông đa phương tiện, thiết bị thông minh, xu hướng số hóa tiếp tục phát triển mạnh, khiến các đơn vị gặp khó khăn trong duy trì khán giả. Nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo sụt giảm do sự cạnh tranh từ các phương tiện truyền thông khác, đặc biệt là hai nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới YouTube và Facebook.

Thêm nữa, do các nhà đài trong nước cạnh tranh quyết liệt, khiến giá mặt bằng truyền hình trả tiền thấp, doanh thu trên thuê bao khoảng 40.000 đồng/tháng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Trong khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới của doanh nghiệp nước ngoài chưa được quản lý bằng quy định cụ thể (cấp phép, đóng phí, thuế, biên tập nội dung...), khiến môi trường kinh doanh chưa bình đẳng.

Để sống sót trong cuộc cạnh tranh mà nhà đài Việt Nam luôn yếu thế thì buộc họ phải chuyển đổi số bằng cách mở rộng kênh phân phối nội dung, đưa toàn bộ kinh doanh, sản xuất lên nền tảng số.

Theo một chủ doanh nghiệp nhà đài trong nước thì nhà đài phải chấp nhận cạnh tranh, chấp nhận mất đi vị thế số 1 về lượng người xem khi hàng loạt loại hình mới như báo chí, mạng xã hội, nội dung số sẽ tham gia vào truyền hình. Đặc biệt cần phải tổ chức lại sản xuất, phân phối nội dung và phân chia lợi nhuận.

Được biết, năm 2020, PayTV đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng, Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành, cơ quan quản lý liên quan xem xét và hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật đủ chế tài để quản lý và xử phạt các vi phạm về nội dung chương trình, các kênh phát thanh truyền hình xuyên biên giới.

Theo đó, PayTV đề nghị, nếu khối lượng nội dung chương trình từ nước ngoài quá lớn, chưa có công cụ quản lý hữu hiệu thì tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam như Netflix, Iflix, Amazon, Facebook, WeTV, Iqiyi...

Cần giải pháp căn cơ

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền xuyên biên giới tại Việt Nam (như Netflix, WeTV...).

Do các nội dung cung cấp trên dịch vụ OTT TV của các doanh nghiệp xuyên biên giới không được biên tập, nhiều phim không được cấp phép phổ biến theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, trên các dịch vụ này có các nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.

Khi phát hiện ra vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử) đã triển khai một số giải pháp cấp bách và thức thời như gửi trực tiếp những bằng chứng vi phạm về nội dung đến đại diện pháp lý của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền xuyên biên giới tại Việt Nam; gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền xuyên biên giới tại Việt Nam chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có văn bản gửi các cơ quan báo chí để lưu ý về việc đăng tải phát sóng các tin bài, chương trình có nội dung phổ biến, quảng bá cho các dịch vụ truyền hình nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, những giải pháp hành chính này không mang lại hiệu quả quản lý thực sự, là do địch vụ này vẫn thu tiền của người Việt theo thuê bao nhưng ko chịu sự điều chỉnh của quy định truyền hình trả tiền và quy định về phí. Dẫn đến việc nhà nước thất thu phí.

Nội dung khi bị phát hiện sai phạm mới yêu cầu doanh nghiệp gỡ thì nội dung đó đã có tác động, ảnh hưởng của người xem. Việc này không có tác dụng mạnh trong việc phòng ngừa, ngăn chặn những nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam, chưa kể những nội dung chống phá Đảng.

Chính vì vậy, để quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ OTT TV của các doanh nghiệp xuyên biên giới tại Việt Nam thì giải pháp căn cơ mà các cơ quan quản lý cần phải triển khai ngay là phải hoàn thiện hành lang pháp lý, sửa đổi chính sách pháp luật.

Hồng Yến

Tin mới