Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kim chi Trung Quốc 'xâm chiếm' Hàn Quốc

(VTC News) -

Người tiêu dùng Hàn Quốc chọn kim chi Trung Quốc để tiết kiệm chi phí dù chất lượng không bằng kim chi nội địa.

Tờ Central Daily News của Hàn Quốc đưa tin, dù sản lượng xuất khẩu kim chi của Hàn Quốc tăng mạnh vào năm 2023, nhưng sẽ dần bị kim chi Trung Quốc bỏ xa trong cuộc cạnh tranh về giá.

Thống kê thương mại xuất nhập khẩu do Cục Hải quan Hàn Quốc công bố ngày 24/12 cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, lượng xuất khẩu kim chi của nước này là 142 triệu USD, trong khi lượng nhập khẩu đạt 151 triệu USD, thâm hụt hơn 8,8 triệu USD.

Truyền thông Hàn Quốc lo ngại thâm hụt thương mại kim chi sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới khi giá thành của kim chi Trung Quốc tiếp tục giảm.

Một lễ hội làm kim chi được tổ chức ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap)

Theo báo cáo, không chỉ nhiều nhà hàng Hàn Quốc sử dụng kim chi Trung Quốc để giảm chi phí mà tỷ lệ người tiêu dùng bình thường mua kim chi Trung Quốc cũng đang dần tăng lên.

Trên bảng xếp hạng tìm kiếm kim chi của nền tảng thương mại điện tử Hàn Quốc, kim chi Trung Quốc được xếp vào hàng có lượng bán tốt nhất.

Để giảm chi phí thực phẩm, anh Lee, nhân viên văn phòng Hàn Quốc, cho biết gần đây anh đã mua một lượng lớn kim chi Trung Quốc, giá chỉ bằng một nửa kim chi Hàn Quốc.

Một người tiêu dùng khác cho biết mọi người có xu hướng có định kiến ​​về kim chi Trung Quốc, "nhưng đó là một trong những loại kim chi ngon nhất mà tôi từng ăn".

Kim chi là món ăn phổ biến nhất ở Hàn Quốc, vừa là món ăn kèm vừa là nguyên liệu trong các món ăn khác như món hầm. Nhiều nhà hàng Hàn Quốc thích sử dụng kim chi nội địa nhưng giá bắp cải và các nguyên liệu khác như ớt đỏ tăng cao gần đây đã buộc họ phải tăng cường sử dụng kim chi nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong khi đó, kim chi Hàn Quốc xuất khẩu sang Trung Quốc hầu như không tạo nên được tiếng vang đáng kể do Trung Quốc cũng có món "dưa muối chua" của riêng mình với giá thành rẻ hơn rất nhiều.

Tranh cãi về nguồn gốc

Trong quá khứ, từng không ít lần dư luận Hàn Quốc và Trung Quốc xảy ra tranh cãi về nguồn gốc của kim chi. Lần gần nhất là vào tháng 12/2020, khi Trung Quốc nhận được chứng nhận từ Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cho pao cai - một món dưa muối xuất xứ từ Tứ Xuyên, phía tây nam nước này.

Một kiểu pao cai ở Trung Quốc. (Ảnh: Mala Market)

Tuy nhiên, kim chi trong tiếng Trung cũng được gọi là pao cai. Một tờ báo Trung Quốc khi đó đã tuyên bố các quy định liên quan đến pao cai mà ISO ban hành là “tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kim chi, do Trung Quốc dẫn đầu”.

Truyền thông Hàn Quốc phản đối gay gắt khi xem đó là tuyên bố "kim chi là của Trung Quốc" và cáo buộc tờ báo này "chiếm đoạt văn hóa".

Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc khi đó đưa ra tuyên bố rằng tiêu chuẩn ISO áp dụng cho món pao cai không áp dụng cho kim chi: "Việc đưa tin về pao cai đạt tiêu chuẩn ISO mà không phân biệt pao cai Tứ Xuyên với kim chi là không phù hợp".

Trên mạng xã hội, dân mạng Hàn Quốc bày tỏ sự bất bình khi cho rằng văn hóa đang bị đánh cắp. Trong khi đó, dân mạng Trung Quốc tuyên bố kim chi là món ăn truyền thống của đất nước họ, với lý lẽ rằng hầu hết kim chi tiêu thụ ở Hàn Quốc đều được sản xuất ở Trung Quốc.

Hoa Vũ (Nguồn: Thời báo Hoàn Cầu, Reuters)

Tin mới