Ngày 22/3, trả lời PV, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, việc tinh giản nội dung dạy học sẽ chỉ tập trung vào học kỳ II của năm học 2019-2020 với tất cả các khối lớp.
Vụ trưởng khẳng định, khi cắt giảm chương trình không thể làm cơ học mà phải có rà soát và phương án cụ thể, làm sao phải đảm bảo chuẩn đầu ra, chuẩn chất lượng. Bộ GD&ĐT đang căn cứ vào quyết định số 16/2006 về việc tinh giảm nội dung theo ba hướng sau:
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT.
Một là, lấy chương trình giáo dục làm cơ sở, từ đó rà soát các nội dung trong sách giáo khoa môn học. Với những nội dung vận dụng nâng cao vượt quá chuẩn thì sẽ được tinh giản. Chỉ dạy học ở ba mức độ đọc - hiểu - vận dụng thấp. Điều này giúp giảm bớt thời lượng môn học, đảm bảo cho học sinh hoàn thành chương trình năm học trước ngày 15/7.
Hai là, về tinh giản nội dung học, Bộ xem xét những kiến thức lặp lại giữa các môn học, các lớp học (nghĩa là những phần kiến thức lặp lại ở mức cao hơn so với năm học trước).
Việc tinh giảm sẽ tính toán đến kiến thức ở lớp dưới đã học thì sẽ cắt đi ở lớp trên. Khi học sinh đã nắm được kiến thức cơ bản ở lớp dưới, các thầy cô chỉ hướng dẫn cho các em tham khảo tự học; vừa tiết kiệm được thời gian trên lớp, vừa đảm bảo chương trình năm học.
Bà là, Bộ GD&ĐT đang tính toán tinh giảm theo hướng tích hợp những nội dung giao thoa giữa các môn học như môn Khoa học - Công nghệ, môn Lịch sử - Địa lý…
Với những nội dung này, Bộ sẽ thiết kế để tổ chức tích hợp vào một môn chủ đạo và chỉ bổ sung yêu cầu cần đạt ở những môn còn lại, không dạy lặp lại kiến thức đó nữa. Như vậy, sẽ tiết kiệm được lượng thông tin, tiết kiệm được đối tượng nghiên cứu khảo sát cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình.
“Xét trên tổng thể chương trình, Bộ GD&ĐT chủ trương chỉ tinh giản về mặt nội dung, không giảm về yêu cầu cần đạt được của học sinh theo chương trình giáo dục”, Vụ trưởng cho hay.
Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể hóa nội dung tinh giản theo hướng phát triển năng lực và kiến thức cơ bản. Đảm bảo thống nhất chung trong toàn quốc, chứ không phải phụ thuộc vào từng trường như trước kia.
Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành hướng dẫn chung về dạy học từ xa, nhưng sắp tới sẽ có hướng dẫn cụ thể, quy định chi tiết hơn việc dạy học qua internet và truyền hình ra sao, từ xây dựng kế hoạch dạy học, kỹ năng của giáo viên, tài liệu dạy học… đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Theo dõi được việc học của học sinh. Chỉ như vậy thì việc kiểm tra, đánh giá ghi nhận kết quả học tập mới đạt được.
Theo ông Thành, Bộ GD&ĐT đang đẩy mạnh việc triển khai rà soát dự kiến trong tháng 3 sẽ phải hoàn thành công bố phương án giảm tải để áp dụng khi nhà trường mở cửa trở lại, hy vọng khi tháng 4, dịch bệnh đẩy lùi, học sinh sẽ trở lại trường.
“Những nội dung được tinh giản thì chắc chắn sẽ không đưa vào nội dung kiểm tra, đánh giá, thi cử”, Vụ trưởng khẳng định.
Video: Những thay đổi tại kỳ thi THPT quốc gia 2020. Nguồn VTC1