Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kiến nghị xử lý các cá nhân ở Bộ GD&ĐT liên quan vụ ĐH Đông Đô cấp bằng giả

(VTC News) -

Bộ Công an kiến nghị Bộ trưởng GD&ĐT xem xét, xử lý nghiêm đối với các cá nhân thuộc Bộ thiếu trách nhiệm trong vụ Đại học Đông Đô cấp hơn 400 bằng giả.

Mới đây, VKSND Tối cao ban hành cáo trạng vụ án hình sự "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô liên quan đến việc cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong cáo trạng nhắc đến nội dung Cơ quan ANĐT Bộ Công an gửi công văn kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, xử lý nghiêm đối với các cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT có trách nhiệm theo quy định của pháp luật và chỉ đạo khắc phục sai phạm.

Cơ quan ANĐT điều tra xác định, Trường Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh, đào tạo bằng đại học thứ hai nhưng từ năm 2015 đến năm 2017, Vụ Kế hoạch - Tài chính thông báo chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 hệ chính quy cho Trường Đại học Đông Đô; Vụ Giáo dục Đại học xét duyệt đăng tải trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đề án tuyển sinh năm 2017, 2018, 2019 có chỉ tiêu văn bằng 2 hệ chính quy.

Bộ Công an kiến nghị xử lý các cá nhân ở Bộ GD&ĐT liên quan vụ Đại học Đông Đô cấp bằng giả.

Đồng thời, năm 2018, Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ GD&ĐT kiểm tra nhưng không phát hiện việc Trường Đại học Đông Đô chưa được phép đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh. Cơ quan ANĐT kết luận, việc làm của các đơn vị, cá nhân nêu trên vi phạm quy định tại quyết định số 22 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai và thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra.

Tuy nhiên, Quyết định số 22 được ban hành từ năm 2001, sau đó nhiều quy định của pháp luật được ban hành (Luật Giáo dục đại học năm 2012, Luật đầu tư năm 2014) nhưng Bộ GD&ĐT chưa kịp thời thể chế để quản lý hoạt động tuyển sinh, đào tạo bằng đại học thứ hai, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý việc thực hiện quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo; chưa chỉ đạo kịp thời công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đối với Trường Đại học Đông Đô theo đúng quy định.

Theo cáo trạng, từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô) cùng các bị can cấp trái quy định 429 bằng tiếng Anh hệ văn bằng 2 và 2 giấy chứng nhận giả, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng.

VKS cũng công bố danh sách những người được Đại học Đông Đô cấp bằng và chứng nhận giả dù không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trong số này, 67 người dùng bằng giả để làm nghiên cứu sinh, 2 trường hợp sử dụng để học thạc sĩ, 4 người kê khai hồ sơ công và viên chức, 3 cá nhân khác thi công chức hoặc thi thăng hạng.

Về nguồn gốc phôi in bằng, VKS xác định cuối năm 2018, bị can Trần Kim Oanh (Phó viện trưởng Viện Đào tạo liên tục) chỉ đạo Phó phòng Đào tạo Trần Ngọc Quang tự làm quyết định về việc công nhận 468 thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng 2 ngành tiếng Anh, công văn đề nghị Bộ GD&ĐT mua phôi để in bằng.

Sau đó, Dương Văn Hòa (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô) ký xác nhận lên các văn bản do Quang chuẩn bị rồi gửi đến Bộ GD&ĐT.

Tháng 4/2019, khi Bộ GD&ĐT yêu cầu giải trình về hoạt động đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh, Trần Khắc Hùng cùng Dương Văn Hòa và các bị can khác đã che giấu sai phạm bằng việc ký hợp thức hàng loạt quyết định công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 kèm danh sách của hơn 410 học viên rồi gửi email cho bà Phạm Thị Hoa (cán bộ Vụ Giáo dục Đại học của Bộ GD&ĐT).

Ngoài các bị can, Bộ Công an còn làm rõ bà Nguyễn Thị Hiền (Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đào tạo phát triển giáo dục Việt Nam) đã giới thiệu 14 học viên để Đại học Đông Đô cấp bằng trái quy định.

Nhóm cán bộ Đại học Đông Đô gồm Nguyễn Hải Yến, Vũ Bá Sinh và Trần Thị Yến cũng giới thiệu 25 học viên.

Theo cáo trạng, hành vi của bà Hiền và các cá nhân trên có dấu hiệu đồng phạm về tội Giả mạo trong công tác với vai trò giúp sức việc làm bằng giả. Tuy nhiên, những người này không tham gia hợp thức hồ sơ, tài liệu cấp bằng giả, không được hưởng lợi và có nhân thân tốt nên cơ quan điều tra không xử lý hình sự.

Trong vụ án này, VKSND Tối cao truy tố 10 bị can về tội "Giả mạo trong công tác" gồm:

Dương Văn Hòa (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô); Trần Kim Oanh (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục); Lê Ngọc Hà (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô);

Trần Ngọc Quang (Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên Trường Đại học Đông Đô); Nguyễn Thị Huệ (nguyên Trưởng Phòng Tài chính, kế toán Trường Đại học Đông Đô);

Cùng các cán bộ của Trường Đại học Đông Đô là Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Ngô Quang Hiển và Lê Thị Lương.

Quang Tuyền

Tin mới