Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kiến nghị người đại diện sở hữu di tích trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi

Nhiều đại biểu đề nghị khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa cần bổ sung các khái niệm mới về di sản số và sớm hình thành một “bảo tàng số”.

Đưa di sản số vào trong luật

Ngày 12/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Góp ý vào các quy định trong dự thảo luật, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, cho rằng hiện có sự “bắt tay” giữa di sản văn hóa và công nghệ, từ đó thúc đẩy sự hình thành các khái niệm mới về di sản số.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật. Ảnh: QV.

Tuy nhiên, theo ông Đường, những vấn đề trên chưa được luật hóa để hình thành chính sách pháp lý phù hợp, khuyến khích phát triển các sản phẩm số dựa trên di sản. Do đó, ông kiến nghị nên nghiên cứu đưa di sản số trở thành một khái niệm chính thức trong Luật di sản văn hóa.

“Khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, nước ta đang hướng tới phát triển nền công nghiệp văn hóa, việc khuyến khích làm sống lại và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông ta cần được quy định đầy đủ, rõ ràng, minh bạch trong dự thảo luật phát huy các giá trị của di sản văn hóa”, GS.TS Trần Ngọc Đường đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, PGS.TSKH. Trịnh Thị Kim Ngọc - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng cần phải hình thành một “bảo tàng số mở” vì các loại di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam liên tục được phát hiện, tổng hợp, công nhận và bổ sung, nhưng thực tế công tác này còn chưa được quan tâm đúng mức.

Quy định rõ người đại diện sở hữu di tích

Nêu quan điểm di sản văn hóa cũng là tài sản và cần có người đại diện quyền sở hữu, ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, cho biết hình thức sở hữu toàn dân về di sản văn hóa, nhất là về di tích đình, chùa, miếu… chưa được xác định rõ người đại diện. Trong khi đó, đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân ở các làng, thôn hiện nay.

“Sửa đổi Luật lần này cần phải quy định rõ người đại diện sở hữu, ông Tiến nói.

Ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội.

Ngoài ra, ông Tiến cũng kiến nghị việc xác định quyền sở hữu, mua bán cổ vật cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn từ các ngành chức năng, làm được điều này thì sẽ góp phần làm giảm tình trạng mất cắp hiện vật, cổ vật ở các di tích lớn.

TS.Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, kiến nghị nên phân định cấp độ khác nhau giữa di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia để có ứng xử phù hợp.

Đi sâu phân tích, TS Năng cho rằng hiện mới có 300 hiện vật là bảo vật quốc gia. Chính vì vậy phải coi bảo vật quốc gia là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt và thuộc loại hiện vật quý hiếm. Với bảo vật quốc gia không cho phép kinh doanh cả trong và ngoài nước. Với cổ vật, không cho phép kinh doanh ở nước ngoài.

“Đối với di vật không phải là những hiện vật thuộc dạng quý hiếm hay có giá trị tiêu biểu hay đặc biệt tiêu biểu như cổ vật và bảo vật quốc gia nên có thể cho phép mua bán cả trong và ngoài nước. Có như vậy các bảo tàng mới có cơ hội sưu tầm được nhiều hiện vật phục vụ trưng bày giới thiệu cho công chúng”, ông Năng đề xuất.

Nguồn: tienphong.vn

Tin mới