Nội dung trên được ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam tại châu Âu, đề cập khi nêu ý kiến tham luận tại phiên khai mạc Đại hội Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2027, sáng 17/10.
Kiến nghị tạo thuận lợi cho kiều bào trở lại quốc tịch Việt Nam
Đề cập đến một số giải pháp phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ông Hoàng Đình Thắng nêu rõ: "Về bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, chúng tôi nghĩ rằng đã đến thời điểm cân nhắc xem xét, bổ sung các quy định cho phép công dân Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội".
Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam tại châu Âu.
Trong lĩnh vực quốc tịch, ông Thắng mong muốn có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài.
Theo Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam tại châu Âu, thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi chính sách quốc tịch đối với người nhập cư (trước đây họ chỉ cho phép mỗi người mang một quốc tịch, hiện nhiều quốc gia đã có chính sách đa quốc tịch).
Do đó nhiều bà con người Việt trước đây xin thôi quốc tịch Việt Nam để vào quốc tịch nước ngoài, nay có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài. Nguyện vọng này của bà con nhằm mục đích giữ mối liên hệ chặt chẽ về mặt pháp lý với Nhà nước Việt Nam và truyền cho các thế hệ sau.
"Dù có một số quy định của pháp luật về vấn đề này, nhưng triển khai trên thực tế rất khó khăn, nhiều quy định và giấy tờ không thể thực hiện được dẫn đến rất ít người đáp ứng được trong khi số người có nguyện vọng rất nhiều", ông Thắng nói.
Bên cạnh đó, cần tạo thuận lợi cho việc xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai và đẩy nhanh quá trình xác minh nhân thân cấp hộ chiếu Việt Nam cho những người không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.
Về tổ chức hội, ông Thắng kiến nghị, cần mở rộng việc cho phép các tổ chức hội đoàn có quy mô lớn được phép trở thành thành viên của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Tiếp tục nghiên cứu cho phép đại diện Hội đồng hương kiều bào các tỉnh ở các quốc gia trên các châu lục có thể tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, đại diện các hội phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài là thành viên Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam tại châu Âu cũng đề nghị tiếp tục quan tâm, hỗ trợ giữ gìn văn hóa Việt và tiếng Việt thông qua việc tăng cường tổ chức các lớp học tiếng Việt, hỗ trợ cử giáo viên dạy tiếng Việt, trang bị giáo trình, tài liệu, giáo cụ cho con em kiều bào ở nước sở tại; tăng cường chương trình liên kết, trao đổi sinh viên Việt Nam với các nước.
Đồng thời, tổ chức thêm các sự kiện văn hóa, văn nghệ ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với sở tại và phục vụ cộng đồng.
Đồng lòng vượt qua đại dịch COVID-19
Tham luận tại Đại hội, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM khẳng định, việc đẩy lùi đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành công dựa trên 3 yếu tố cốt lõi.
Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM.
Thứ nhất, TP.HCM luôn nhận được sự quan tâm sâu sát, toàn diện của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ. Theo đó, các bộ, các cơ quan Trung ương đã tổ chức nhiều lực lượng, nguồn lực chi viện cho TP.HCM.
Thứ hai, tinh thần đoàn kết quốc tế được phát huy, nhiều tổ chức quốc tế, đồng bào ta ở nước ngoài đã nhanh chóng huy động các nguồn lực hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt chương trình ngoại giao vaccine của Chính phủ.
Thứ ba, sức mạnh đoàn kết từ sự hỗ trợ của 63 tỉnh, thành phố, đã chi viện cho các đoàn y tế cùng TP.HCM tham gia chống dịch. MTTQ Việt Nam ở các tỉnh, thành phố đã vận động đóng góp lương thực, thực phẩm.
"Ba yếu tố cốt lõi trên là giải pháp trợ lực, động lực mạnh để bảo vệ chính quyền, MTTQ và Nhân dân thành phố cùng đồng tâm, đồng thuận, đồng tình trong công tác phòng chống dịch, đã trở thành sức mạnh nội lực của thành phố", Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tổ chức nhiều đội hình, huy động nhiều lực lượng cùng các giai tầng xã hội tham gia tất cả các khâu trong công tác phòng chống dịch.
Theo ông Nguyễn Phước Lộc, MTTQ TP.HCM cũng nhanh chóng thành lập trung tâm an sinh xã hội, sau phát triển thành quỹ an sinh xã hội với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch.
Theo sự phát động của MTTQ, các cộng đồng dân cư đã gắn kết, người dân hưởng ứng mạnh mẽ hình thành nhiều đội hình thiện nguyện "đi từng ngõ gõ từng nhà", để cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân, đồng thời tổ chức nhiều bếp ăn miễn phí, các đội hình tình nguyện... Nhiều bệnh nhân F0 khỏi bệnh nhận lời hưởng ứng của Mặt trận đã tình nguyện ở lại chăm sóc các F0 khác.
Ông Nguyễn Phước Lộc cho rằng, sức mạnh nội lực đó còn thể hiện ở việc tuyên truyền để người dân thấy được mục tiêu yêu cầu cao nhất của Đảng, Nhà nước để bảo vệ chăm sóc sức khỏe tính mạng của Nhân dân.
Vì vậy, Nhân dân đã thấu cảm, đồng thuận chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ trương của thành phố về dịch Covid-19.
"Bài học về phát huy sức mạnh Nhân dân, đồng lòng vượt qua đại dịch COVID-19 đã được TP.HCM phát huy mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội", Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.
Ông Nguyễn Phước Lộc nêu rõ, TP.HCM là một trong số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 khiến tổng sản phẩm nội địa giảm sâu tới -4,01% vào năm 2021. Song nhờ sự đồng lòng chung sức của Nhân dân đã cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố phấn đấu tăng lên 9,03% trong năm 2023 và đạt mức tăng trưởng 6,85% trong 9 tháng đầu năm 2024, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định đó chính là chiều sâu của Nhân dân, đồng lòng thực hiện chủ trương phát triển của thành phố. Do đó, TP.HCM tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách về người có công, chính sách bao phủ về an sinh xã hội, chính sách về bảo trợ xã hội để Nhân dân thành phố tiếp tục thụ hưởng thành quả phát triển chung của thành phố...
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và Nhân dân TP.HCM, ông Nguyễn Phước Lộc trân trọng cảm ơn Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương và Nhân dân các tỉnh thành phố, cộng đồng tôn giáo, các tổ chức đồng bào ta ở nước ngoài... đã hỗ trợ to lớn cho thành phố trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Qua đó, để thấy rằng "TP.HCM là của cả nước, cả nước vì TP.HCM".
Với vinh dự và trách nhiệm chính trị, Đảng bộ, chính quyền MTTQ Việt Nam và Nhân dân thành phố quyết tâm toàn diện, phấn đấu xứng đáng với thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, tiếp tục thực hiện tốt phương châm "TP.HCM vì cả nước, tình cả nước".