Tòa cấp phúc thẩm xác định đây là tranh chấp về quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.
Vụ án này xảy ra giữa ông H. với người em vợ là bà C., người đang đứng tên một căn nhà tại phường 15, quận 8, TP.HCM.
Tháng 6/2010, ông H. khởi kiện bà C. ra TAND quận 8 để đòi nhà. Theo ông H., tháng 8/1996, vợ chồng ông mua căn nhà trên bằng giấy tay và có xác nhận của tổ trưởng khu phố với giá 4 lượng vàng. Lúc đó ông góp 4 chỉ, vợ đưa 6 chỉ, số còn lại vay mẹ vợ 2 lượng và người khác 1 lượng.
Sau đó vợ chồng ông đã trả dần hết số vàng đã vay. Vì là mẹ vợ nên ông không làm giấy biên nhận tiền, vàng. Cạnh đó, khi mua nhà trên, vợ chồng ông chưa tổ chức cưới nên ông để vợ đứng tên trên giấy mua đất.
Trong quá trình sử dụng, vợ chồng ông cũng có sửa chữa, cơi nới diện tích nhà và cho bà C. là em vợ vào sống chung. Đến năm 2005, vợ chồng ông dọn về sống tại chung cư quận Tân Phú.
Do điều kiện công tác xa nhà và không thường xuyên sống tại căn nhà trên nên bà C. kê khai nhà đất trên thành của mình rồi làm thủ tục đứng tên, đồng thời đưa chồng về cùng chung sống mà không có ý kiến của ông. Nay ông yêu cầu bà C. giao nhà lại cho vợ chồng ông.
Ngược lại, bà C. nói căn nhà trên là do mẹ bà bỏ 4 lượng vàng mua để hai con gái là bà và vợ ông H. có chỗ sinh hoạt đi học, không phải nhà của ông H. Vợ ông H. chỉ đứng tên mua giùm mẹ và bỏ tiền sửa chữa nhà. Vì vậy căn nhà thuộc sở hữu của người mẹ, nếu mẹ đòi giao nhà thì bà giao. Bà không chấp nhận giao nhà cho vợ chồng ông H.
Xử sơ thẩm tháng 8/2013, TAND quận xác định quan hệ tranh chấp này là đòi nhà và quyền sở hữu nhà đất. Về nội dung, căn cứ vào tài liệu các bên xuất trình, HĐXX nhận định không có căn cứ chấp nhận yêu cầu đòi nhà của nguyên đơn cho là căn nhà trên là tài sản chung của vợ chồng ông.
Bà C. có trách nhiệm giao trả nhà lại cho mẹ. Sau đó vợ chồng ông H. kháng cáo. VKS kháng nghị cho là án sơ thẩm bỏ sót người tham gia tố tụng...
Tại phiên phúc thẩm tại TAND TP.HCM, VKSND TP.HCM cho là việc xác định quan hệ tranh chấp đòi nhà như cấp sơ thẩm nhận định là sai vì nguyên đơn chưa có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu.
Theo TAND TP.HCM, việc ông H. đòi nhà của mẹ và em vợ đang sống là tranh chấp đòi nhà. Ông H. phải có các giấy tờ đất quy định tại các khoản 2, 3, 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.
Khi ông không có giấy tờ nào để chứng minh là nhà, đất của ông thì phải xác định quan hệ pháp luật tranh chấp về quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Án sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật không đúng nên cần chỉnh lại.
Về phần nội dung, HĐXX nhận thấy cần phải xem xét nguồn gốc căn nhà có từ lúc nào và ai là người trả tiền mua nhà. Theo lời khai đương sự, năm 1995 do bị giải tỏa nhà từ mé sông nên người mẹ cùng hai con gái về dựng nhà trên đất này sống. Sau đó bà mua lại phần đất trên.
Giấy mua đất lúc đó do vợ ông H. đứng tên. Từ lời khai của các bên và của cả nguyên đơn, tòa xác nhận việc nguyên đơn nói bỏ tiền mua nhà đất là không trung thực. Từ đó tòa tuyên bác yêu cầu của nguyên đơn, xác định căn nhà trên là của người mẹ.
Theo PL TPHCM