Cụ thể, tỉnh Long An phê duyệt chủ trương đầu tư khi dự án chưa lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giãn tiến độ đầu tư cho các dự án trên 24 tháng chưa phù hợp, không thẩm định về điều kiện giao đất, cho thuê đất quy định tại một số dự án, văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất thiếu các nội dung theo quy định; điều chỉnh chủ trương đầu tư, mục tiêu dự án từ khu tái định cư sang khu dân cư, tái định cư chưa có quyết định cơ quan thẩm quyền, giao đất, cho thuê đất theo tiến độ bồi thường GPMB chưa phù hợp với tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Long An chưa thực hiện kê khai đầy đủ, kịp thời tiền thuê đất phải nộp một lần (Đất đã cho thuê lại theo hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê trước ngày 01/7/2014.
Phối cảnh dự án KCN Nam Tân Tập.
Kiểm toán Nhà nước cho biết thêm cùng với thành phố Hải Phòng, Thanh Hoá, Bài Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, tỉnh Long An xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án chưa phù hợp quy định.
Tỉnh Long An còn bị kết luận có một số cuộc thanh tra, kiểm tra xử lý kết quả thanh, kiểm tra không phù hợp quy định, chậm lập biên bản kiểm tra, thanh tra (3 hồ sơ).
Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo: Các Ban QLDA tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh các hạn chế, sai sót về lập dự án đầu tư, lựa chọn nhà thầu, lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán, quản lý chất lượng công trình, quản lý tiến độ dự án, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán dự án.
Có biện pháp chấn chỉnh đối với các cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư, Ban QLDA không chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo giám sát đánh giá đầu tư; chậm gửi báo quyết toán vốn đầu tư theo quy định.
Ngoài ra, Cục Thuế cũng tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các trường hợp đã được thanh tra thuế nhưng xác định không đúng nghĩa vụ thuế của người nộp thuế theo kết quả tăng thu NSNN của KTNN.
Gần đây, việc lựa chọn nhà đầu tư cho KCN Nam Tân Tập của tỉnh Long An cũng khiến dư luận xôn xao.
Theo Báo cáo 2113/UBND-KTTC ngày 16/3/2021 của UBND tỉnh Long An gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Long An đã nêu cơ sở Long An chọn liên danh SGT – SHP. Một trong số đó là đánh giá năng lực, mà cụ thể là khả năng huy động vốn.
Theo đó, báo cáo này nêu rõ: “Nhà đầu tư có khả năng huy động vốn từ tổ chức tín dụng để thực hiện dự án, thể hiện bằng Thư hứa thu xếp, cung cấp tín dụng của Ngân hàng HDBank và cam kết của Công ty cổ phần Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn (công ty mẹ) đảm bảo cho Công ty TNHH Saigontel Long An về nguồn tín dụng để thực hiện dự án".
Ngoài ra, tỉnh Long An khẳng định Saigontel Long An có 450 tỷ đồng gửi tại HDBank.
Saigontel Long An được thành lập trong tháng 2/2021 với vốn điều lệ 337,5 tỷ đồng. Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) nắm giữ 75% vốn công ty.
Ngay sau đó, Saigontel Long An đã vay dài hạn Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) 112,5 tỷ đồng. Hai khoản tiền này cộng lại đúng bằng với 450 tỷ đồng mà Saigontel Long An gửi tại HDBank.
SGT - đơn vị nắm giữ 75% vốn của Saigontel Long An cũng đặt dấu hỏi lớn về năng lực. Cụ thể, hồi cuối tháng 3/2021, nợ phải trả tại SGT đạt 2.765 tỷ đồng, tăng 1.107 tỷ đồng, tương đương 66,8% so với hồi đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 254 tỷ đồng, tương đương 74,9% lên 593 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 779 tỷ đồng, tương đương 974% lên 881 tỷ đồng.
Được biết, cả SGT và KBC đều do đại gia Đặng Thành Tâm là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Vì vậy, cùng với KBC, ông Đặng Thành Tâm không ít lần cho SGT vay. Tuy nhiên, SGT nhiều lần gây nợ quá hạn (nợ xấu) cho bản thân ông Đặng Thành Tâm và các công ty liên quan.
Cụ thể, tại ngày 31/3/2021, số nợ quá hạn mà SGT chưa thanh toán cho ông Đặng Thành Tâm là 1,5 tỷ đồng. Số nợ quá hạn này lần đầu được ghi nhận tại thời điểm 1/1/2019. Như vậy, nợ xấu này đã kéo dài 2,5 năm.