Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 2020?

(VTC News) -

Đối diện nhiều thách thức, nguồn cung và giao dịch sụt giảm... là những dự đoán được các chuyên gia nhìn nhận về thị trường bất động sản 2020.

Thị trường bất động sản 2019 vẫn còn nhiều vấn đề chưa có lời giải. Đó là hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn; Thủ tục cấp phép rườm rà; Quy định về phát triển, pháp lý sản phẩm condotel chưa rõ ràng; Lòng tin của nhà đầu tư đang giảm sút… 

Những yếu tố này được dự đoán sẽ đẩy thị trường bất động sản 2020 đứng trước nhiều khó khăn và thách thức.

Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 2020?

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Kim Chung đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra với thị trường bất động sản 2020.

Kịch bản thứ nhất là kịch bản ổn định - đây là kịch bản được dự đoán nhiều khả năng xảy ra nhất. Thị trường dự báo sẽ đi lên nếu tình hình thế giới không biến động, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không xấu đi. Nhưng nếu tình hình kinh tế xấu đi, vốn rút khỏi Việt Nam thì thị trường có thể đi xuống.

Kịch bản thứ hai theo hướng tích cực khi tình hình kinh tế thế giới thuận lợi cho Việt Nam: các hiệp định ký kết giữa Việt Nam với các nước như CPTPP, EVFTA, AEC… triển khai tốt, dòng vốn chảy mạnh vào Việt Nam. Khi đó, thị trường bất động sản trong nước sẽ diễn biến tốt.

Kịch bản thứ ba theo hướng tiêu cực. Thị trường bất động sản sẽ biến động tiêu cực khi kinh tế thế giới diễn biến xấu, vốn rút khỏi Việt Nam. Dù khả năng xảy ra kịch bản này là rất thấp nhưng không phải là không thể.

Một trong những kịch bản cũng được nhiều chuyên gia đưa ra là năm 2020 nguồn cung và giao dịch bất động sản sẽ suy giảm mạnh.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định, xu hướng nhỏ giọt nguồn cung mới xuất hiện từ cuối năm 2018, tiếp diễn trong năm 2019 và sẽ khiến thị trường từ năm 2020 đến 2022 tiếp tục thiếu hàng.  

Còn ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Quản lý Nhà, Bộ Xây dựng dự báo, nguồn cung bất động sản nhà ở tại Hà Nội, TP.HCM giảm do không có nhiều dự án mới được phê duyệt triển khai, đặc biệt là đối với phân khúc nhà ở giá thấp.

Đối với thị trường đất nền, sau diễn biến từ vụ việc của Công ty Alibaba rao bán các dự án "ma", công tác quản lý của chính quyền sẽ chặt chẽ hơn, khó có dự án mới ra hàng. Theo ông Hưng, nhà đầu tư và người mua để ở thực trong năm tới đều e ngại đất nền nên dự báo nguồn cung và lượng giao dịch ở phân khúc này sụt giảm mạnh. 

Ông Hưng cũng cho rằng, thị trường bất động sản du lịch tại các địa phương như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam, Kiên Giang... sẽ có diễn biến tương tự do sự "vỡ trận" của dự án vào cuối năm 2019 cũng như những thông tin bất lợi của các dòng sản phẩm trong phân khúc này. 

Một kịch bản khác cũng được các chuyên gia đưa ra là niềm tin vào thị trường suy giảm, chung cư và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ rơi vào thế khó.

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản EZ Việt Nam cho rằng, niềm tin của nhà đầu tư cũng lung lay khi tình trạng "dự án ma" nở rộ trong năm qua hoặc sự đổ vỡ trong những mô hình bất động sản mới. Tâm lý đó khiến thanh khoản trên thị trường có thể đi xuống, giá bán vì vậy khó tăng. Trong số các phân khúc, ông Toản cho rằng trong năm 2020, chung cư và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ gặp nhiều thách thức nhất.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội, nhận định, thị trường năm 2020, các chủ đầu tư không thể làm theo cách "đánh nhanh" mà là "đánh chắc", làm tốt sản phẩm mới có thể bán được. Còn với nhà đầu tư cá nhân, bà Hằng cho rằng cần tránh tâm lý kỳ vọng tăng trưởng cao rồi đưa ra quyết định nhanh chóng.

"Bất động sản Việt Nam đã trải qua giai đoạn phát triển nhất định, đặc biệt các thị trường như Hà Nội, TP.HCM và những thành phố lớn. Còn tại thị trường mới thì cần có sự đầu tư và phát triển hạ tầng đồng bộ, do đó cần thời gian thực hiện. Có như vậy khoản mục đầu tư mới có thể kéo dài", bà Hằng nói.

Châu Anh

Tin mới