Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kiatisak: 'Tôi vứt cả tá thư đề nghị của HAGL trước khi gặp bầu Đức'

Kiatisak có thể gật đầu ngay lập tức trong cuộc gọi mời tái hợp lần thứ 3 với bầu Đức, nhưng 18 năm trước, bầu Đức chẳng dễ gì thuyết phục được ngôi sao Thái Lan.

- Điều gì khiến ông quyết định đến HAGL sau 3 năm ‘gác kiếm’ và 10 năm không ở Việt Nam?

Với tôi, trở lại HAGL như là trở về ngôi nhà của mình vậy. 18 năm trước, khi tôi lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi đã thích cuộc sống nơi đây. Tôi có nhiều bạn bè tại Việt Nam, đặc biệt là ở Pleiku. Tôi thích bóng đá Việt Nam và lúc này, đội tuyển các bạn cũng đang là mạnh nhất Đông Nam Á. Quan trọng nhất, người liên hệ với tôi chính là "ba" Đức. Ông ấy như một người bạn, người thân và là người cha của tôi. Do đó, khi ông gọi điện và nói muốn tôi trở về dẫn dắt HAGL, tôi đồng ý. Tôi không phải suy nghĩ quá nhiều khi người ở phía đầu dây bên kia là "ba" Đức.

- "Ba" Đức với Kiatisak có mối quan hệ thân thiết như thế nào? Tôi tò mò 18 năm về trước, liệu một cuộc điện thoại như vậy cũng đã khiến ông gật đầu hay không?

Không. Khi ấy tôi chưa biết bầu Đức, cũng chưa biết đến HAGL là đội bóng nào. Hãy để tôi nói về câu chuyện của tôi. Tôi là một nhân viên công vụ trong ngành cảnh sát của Thái Lan. Nhưng vì đam mê với bóng đá mà tôi từ tay ngang trong giới bóng đá trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Thời điểm cuối những năm 1990 và đầu thập niên 2000, tôi là ngôi sao của bóng đá Thái Lan nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung. Ngược lại, HAGL còn vô danh trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

Đến 29 tuổi, tức là vào đầu năm 2002, tôi chia tay Singapore Armed Forces và trở về Thái Lan. Tôi lập gia đình với mong muốn dành thời gian cho vợ mình. Tôi đã có ý định nghỉ ngơi một thời gian rồi đấy chứ. Thế rồi vào một chiều nọ, tôi nhận được bức thư gửi qua đường fax từ Việt Nam. Nội dung trong fax ấy có ghi là: "HAGL muốn có sự phục vụ của Kiatisak".

- Rồi sao nữa?

Tất nhiên khi ấy tôi chưa bao giờ nghĩ đến Việt Nam. Tôi cũng chẳng biết HAGL là đội bóng nào. Tôi thẳng thừng từ chối. Những ngày sau, tôi vẫn nhận được fax từ HAGL. Rất nhiều thư từ HAGL mà tôi vứt một góc trên bàn làm việc. Rồi đến một ngày, tôi nhận được bức thư với nội dung khác: Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch của HAGL sẽ đến Thái Lan gặp tôi.

Rồi quả thực, tôi gặp ông Đức thật. Tôi bắt đầu cảm thấy có một sự nghiêm túc nơi con người này và nơi đội bóng này. "Ba" Đức lúc đấy nói với tôi rằng: Ông mới tiếp quản HAGL và giá trị của tập đoàn (tính thời điểm năm 2002 - PV) là hơn 1 triệu USD. Ông nói thêm: "Thực tình, tôi muốn chúng ta có sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. Người Việt Nam yêu mến Kiatisak. Họ muốn được xem Kiatisak bằng xương bằng thịt".

Rồi ông nói với tôi rằng: "Tôi muốn anh được chơi ở một CLB tôn sùng lối đá đẹp. Tôi muốn các cầu thủ được chơi trong niềm vui và hạnh phúc". Quả thực, từ sự chân thành của "ba" Đức, tôi bị thuyết phục. Nhưng tôi cũng phải nói chuyện với vợ mình đã. Thật ngạc nhiên, cô ấy đồng ý để tôi sang Việt Nam và ủng hộ quyết định của tôi.

- Tất nhiên, thuyết phục bằng lời nói là một nhẽ. Chắc hẳn, "ba" Đức cũng phải đảm bảo một chế độ đãi ngộ hậu hĩnh cho ông?

Khi ấy tôi có nhận được lời đề nghị tại Singapore và Malaysia. Nhưng "ba" Đức nói với tôi: "Tôi chỉ bảo anh thế này, những đội kia trả lương bao nhiêu cho anh tôi không cần biết. Anh chỉ biết rằng tôi sẽ trả gấp đôi số tiền mà họ đề nghị với anh!". "Ba" Đức còn nói: "Xe thì tôi mới mua. Biệt thự tôi có sẵn. Anh không phải nghĩ ngợi một điều gì khi đến HAGL".

- Hãy kể cho chúng tôi cảm nhận của ông trong lần đầu đặt chân đến Việt Nam, với tư cách cầu thủ của một đội bóng Việt Nam?

Rồi tôi cùng người bạn Chukiat Noosarung lên đường sang Việt Nam. Trước ngày lên máy bay, tôi lại nhận được cuộc gọi từ "ba" Đức. Ông nói với tôi rằng cứ đến TP.HCM đi, sẽ có người tới đón các cậu.

Đó là vào ngày 17/2/2002. Khi vừa hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi không tin vào mắt mình. Bởi có quá đông người hâm mộ tới xin chụp hình, xin chữ ký. Phóng viên, giới truyền thông, lãnh đạo đội bóng, Tổng Lãnh Sự quán Thái Lan ở Việt Nam… chờ đợi, đón chúng tôi. Thật sự, tôi vẫn ao ước được thi đấu ở những nơi bóng đá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu. Nhưng chẳng hiểu sao, cái duyên lại đưa tôi đến Việt Nam, tới V-League. Dù rằng đây là một nền bóng đá chưa có nhiều tiếng tăm.

- Câu chuyện tiếp theo ở HAGL, trong 3-4 năm ông thi đấu cho đội bóng này có điểm gì đáng chú ý?

Đội hình của HAGL lúc bấy giờ có đến 8 ngoại binh. Việc giao tiếp bằng ngoại ngữ với họ không khó. Nhưng để nói chuyện với người Việt Nam thì là cả một vấn đề. Người Việt Nam họ không nói tiếng Anh. Tôi và Chukiat thì không biết tiếng Việt. Đôi khi tôi chẳng hiểu người đứng đối diện mình nói gì cả. Mọi thứ đều phải qua người phiên dịch. Nhưng dù sao bóng đá có một ngôn ngữ riêng. Sau 3 tháng tại HAGL, tôi ký hợp đồng có thời hạn 3 năm với CLB này.

Một ngày nọ, "ba" Đức gọi tôi đến và bảo: "Tôi muốn anh gắn bó lâu dài với nơi này", hãy học tiếng Việt và quen với cuộc sống, đường xá tại nơi đây. Rồi tôi vừa thi đấu, vừa học tiếng. Chẳng ngờ sau 3 năm, từ một cầu thủ chẳng bao giờ nghĩ sẽ lựa chọn Việt Nam, tôi có thể nói trôi chảy tiếng Việt, thuộc nhiều ngóc ngách, con đường tại nơi đây đến thế.

- Ấn tượng của ông về V-League có khác đi so với những gì mình từng nghĩ trước đó tại Thái Lan hay không?

Phải nói là tôi bất ngờ. Tôi không nghĩ người hâm mộ Việt Nam lại cuồng nhiệt và máu lửa đến thế. Sân Pleiku lúc nào cũng chật kín người. Tôi nhớ khi mình ghi bàn thắng đầu tiên, tôi đã ăn mừng thoe kiểu nhảy santo (nhảy cao rồi lộn người một vòng). Khán đài văng vẳng tiếng: "Kiatisak, Kiatisak!", rất lâu… Tôi cứ nghĩ mình đang chơi ở châu Âu hay cụ thể là Italia cơ đấy!

Các bạn biết không, giây phút ấy thật sự hạnh phúc vô cùng. Chúng tôi được chào đón, được cổ vũ, được yêu thương một cách chân thành nhất!

- Sau 2 chức vô địch V-League 2003 và 2004, ông vừa làm cầu thủ vừa làm HLV tại HAGL vào năm 2006. Cảm xúc của ông khi cầm sa bàn như thế nào?

Nói ra cũng thật buồn cười. Tôi lúc đấy vẫn nghĩ mình chỉ làm cầu thủ thôi chứ chưa nghĩ đến chuyện làm HLV. Thậm chí, tôi lại còn vừa làm cầu thủ, vừa làm HLV. "Ba" Đức nói với tôi thế này: "Tôi không cần một HLV giỏi. Tôi cần một HLV mà khi nói ra, cầu thủ nhất nhất nghe theo". Có thể mọi người nói tôi lúc ấy liều và tham. Nhưng không thử thì làm sao biết kết quả. Và rồi tôi vẫn làm được đấy thôi. Đó là nơi khởi đầu cho công việc làm HLV của tôi sau này đấy!

Rồi tôi chia tay HAGL sau đó, dù "ba" Đức có nói sẵn sàng tăng gấp đôi mức lương cho tôi. Nhưng tôi muốn trở về Thái Lan để chăm sóc vợ con. Tôi vẫn nhớ như in "ba" Đức nói với tôi thế này: "Hãy trở lại bất cứ lúc nào anh muốn!". Sau đó, "ba" Đức vẫn thường qua Thái Lan và muốn tôi dẫn đi xem cách bóng đá Thái Lan làm thế nào. Và rồi học viện HAGL – Arsenal JMG ra đời sau những lần đi đi, về về như thế.

- Thời gian ông rời đi và trở lại HAGL cũng không quá lâu. Bởi năm 2010, người ta lại thấy Kiatiska tái hợp đội bóng phố Núi. Điều gì khiến ông quyết định trở lại?

"Ba" Đức gọi điện cho tôi. Khi ấy, chúng tôi chỉ cần đúng một cuộc điện thoại, giống như bây giờ. Ông nói với tôi rằng: "Tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó, anh cùng HAGL nâng chiếc cup vô địch lần thứ 3". Tất nhiên, với sự nhiệt thành ấy, lại là của "ba" Đức, tôi chẳng có lý do gì để từ chối cả. Tôi cùng HAGL khởi đầu suôn sẻ. Tôi giúp đội vô địch ở giải bóng đá TP.HCM – Navibank Cup 2010. Nhưng tôi không thể cùng HAGL vô địch V-League. HAGL chỉ cán đích ở vị trí thứ 7 trên BXH. Ngay sau mùa ấy, tôi nhường lại ghế nóng cho Dusit để tiếp tục dẫn dắt Chula United.

- Tại sao ông không gắn bó lâu như ở lần đầu tiên đến Việt Nam?

Tôi dù có yêu bóng đá Việt Nam đến mấy thì cuối cùng, nơi mà tôi muốn cống hiến nhất vẫn là Thái Lan. Năm 2013, tôi đã làm được lời mà mình đã hứa, đó là huấn luyện ĐTQG Thái Lan. Và tôi đã thành công với những gì mình đã làm được.

- Hợp đồng 2 năm với HAGL có thể sẽ khiến ông ở lại lâu hơn đấy. Vậy ông đã chuẩn bị cho mình như thế nào trong lần tái hợp tiếp theo với đội bóng này?

Việc tới HAGL lần này là một thách thức với tôi. Thời gian qua, tôi đã theo dõi video clip của HAGL thi đấu. Những cầu thủ trưởng thành từ Học viện bóng đá HAGL giờ là nòng cốt của đội bóng. Họ là những cầu thủ giỏi, trẻ trung, nhanh nhẹn. Tôi từng gặp họ ở giải trẻ và nay những Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường đều đã trưởng thành. Tất nhiên, họ cần phải học hỏi hơn nữa. Tôi tin nếu họ đá hết sức thì có thể vô địch được.

- Phong cách dẫn dắt mà ông từng thành công ở Thái Lan sẽ được áp dụng cho HAGL chứ?

Tôi không muốn đá dài. HAGL cần đá ngắn, đá nhanh. Bởi thể hình cầu thủ Việt Nam, Thái Lan nói riêng và cầu thủ Đông Nam Á nói chung không phải là lợi thế để đua tranh với cầu thủ nước ngoài. Tôi muốn xây HAGL giống "kiểu Zico". Tôi muốn kết hợp lối đá nhanh để tận dụng thế mạnh về tốc độ. Tôi muốn có một lối đá cống hiến.

Tôi sẽ cố gắng tập vị trí, chiến thuật cho HAGL. Đội bóng cần pressing tốt hơn, gây sức ép cho đối thủ nhiều hơn. Điều quan trọng, HAGL phải đá hay, đá đẹp, không đá xấu. Nếu đá xấu thì khán giả không thích. Tôi muốn anh em, người hâm mộ xem bóng đá một cách mãn nhãn.

- Vậy còn với cá nhân ông thì sao, ông đã chuẩn bị gì cho cuộc sống của mình sau 10 năm không hiện diện ở Việt Nam?

Tôi nhớ cảm giác và cuộc sống ở Việt Nam. Người Việt Nam rất cởi mở, thân thiện. Tôi nhớ bún bò, nhớ phở gà, cháo gà, cafe sữa đá. Lúc này, tôi đã nhớ nhiều quá, muốn trở lại Việt Nam lắm rồi.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn: Tạp chí Bóng đá

Tin mới