Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng các loài khủng long không chỉ đi qua Bắc Cực mà chúng từng chọn khu vực lạnh giá này làm nơi ở. Tại đây, chúng phát triển các chiến lược trú đông như ngủ đông hoặc mọc lông cách nhiệt.
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Current Biology là kết quả của một thập kỷ khai quật hóa thạch tại một vùng xa xôi phía bắc Alaska.
Nghiên cứu mới đây tiết lộ khủng long từng sống "trường kỳ" ở Bắc Cực. (Ảnh: James Havens)
Các mẫu hóa thạch được phân tích đến từ ít nhất 7 loại khủng long vừa nở hoặc chết ngay trước khi nở cách đây 70 triệu năm.
"Điều đó thật tuyệt vời. Nó chứng tỏ lũ khủng long không chỉ sống ở Bắc Cực. Chúng có thể đã sinh sản tại đây", Patrick Druckenmiller của Bảo tàng miền Bắc Đại học Alaska cho biết.
Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện hóa thạch khủng long ở vĩ độ lạnh giá vào những năm năm 1950. Trước đó, họ chưa từng nghĩ các loài bò sát có thể sống sót trong điều kiện giá lạnh như vậy.
Điều này dẫn đến hai giả thuyết: Hoặc khủng long là cư dân cư trú lâu dài ở vùng cực hoặc chúng di cư đến Bắc Cực và Nam Cực để tận dụng nguồn tài nguyên dồi dào theo mùa hoặc để sinh sản.
Bắc Cực ấm hơn trong kỷ Phấn Trắng nhưng vẫn rất lạnh. Khu vực này có thể là một thảm thực vật với các loài cây lá kim, thực vật hạt kín, dương xỉ và cây đuôi ngựa.
"Hầu hết các nhóm khủng long ăn thịt mà chúng tôi tìm thấy ở đó có thể có lông. Nó giống như một chiếc áo khoác dày cho lũ khủng long để chúng sống sót qua mùa đông", Druckenmiller cho hay.
Các nhà khoa học tin rằng những loài khủng long ăn cỏ với kích thước nhỏ nhiều khả năng đào hang dưới lòng đất và ngủ đông. Trong khi đó những con lớn hơn có thể đã nhịn ăn.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, việc khủng long cư trú quanh năm tại Bắc Cực là manh mối cho thấy chúng là loài máu nóng.
"Khả năng sống sót qua mùa đông Bắc Cực của khủng long là "bằng chứng thuyết phục nhất" cho thấy khủng long có thể được thêm vào danh sách động vật máu nóng", đồng tác giả nghiên cứu Gregory Erickson của Đại học bang Florida cho biết.