Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khủng long kiểu xác ướp Ai Cập trồi lên giữa công viên

Hóa thạch của một con hadrosaur được bảo tồn tốt như xác ướp của loài người đã xuất hiện bất ngờ tại Công viên cấp tỉnh Dinosaur ở Alberta, Canada.

Công viên cấp tỉnh Dinosaur là khu vực từ lâu đã nổi tiếng với những kho báu cổ sinh vật học. Tuy nhiên, đoàn khảo cổ dẫn đầu bởi tiến sĩ Brian Pickles của Đại học Reading - Anh đã vô cùng may mắn khi một tình nguyện viên tên Teri Kaskie phát hiện mẫu vật trong tình trạng... tự trồi ra khỏi một sườn đồi.

Hóa thạch thuộc về một con hadrosaur, tức một nhóm khủng long mỏ vịt thân giống heo, ăn cỏ. Hiện vẫn chưa rõ niên đại của mẫu vật.

Mẫu vật này đã gây choáng váng cho nhóm chuyên gia bởi không chỉ các bước kiểm tra sơ bộ cho thấy nó có thể là một bộ xương nguyên vẹn hiếm gặp, mà bộ da của con vật cũng được bảo quản - y như một xác ướp Ai Cập chứ không phải một con vật hóa thạch tự nhiên.

Tiến sĩ Caleb Brown từ Bảo tàng Hoàng gia Tyrrell, thành viên nhóm nghiên cứu, mô tả mẫu vật gồm "những khu vực lớn của bộ xương được bao phủ trong lớp da hóa thạch". Họ tin rằng có thể còn nhiều lớp da khủng long khác còn mắc kẹt trong khối đá quý báu này.

Điều này khiến cho nó trở thành một báu vật vô song bởi tìm được một bộ xương gần như nguyên vẹn đã khó, tìm được cả da còn khó tin hơn bởi thời gian ít nhất hàng chục triệu năm tuổi của các hóa thạch khủng long lẽ đã đã khiến mọi dạng mô mềm bị tiêu biến.

Tờ Heritage Daily trích dẫn nhận định của nhóm tác giả rằng "xác ướp" khủng long đặc biệt này có khả năng cung cấp những hiểu biết đột phá về ngoại hình và giải phẫu tổng thể của con vật.

"Đây là một khám phá rất thú vị và chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành trong 2 mùa thực địa tới. Dựa trên kích thước của đuôi và chân, đây có thể là một con non. Mặc dù khủng long mỏ vịt trưởng thành được thể hiện rõ ràng trong hồ sơ hóa thạch nhưng con non ít phổ biến hơn nhiều. Do đó phát hiện có thể giúp các nhà cổ sinh vật học hiểu được cách sinh trưởng và phát triển của khủng long" - tiến sĩ Pickles cho biết.

Hóa thạch hiếm hoi của da cũng đem đến cơ hội vàng để giới cổ sinh vật học tìm hiểu được da khủng long thực sự như thế nào. Từ trước đến nay, bộ da khủng long mà chúng ta nhìn thấy trong hình hoàn toàn là sản phẩm được tạo ra bởi sự suy đoán và trí tưởng tượng.

Việc bảo quản được mô mềm của động vật cổ đại là một cơ may hiếm thấy, thường xảy ra nhờ một khoảnh khắc ngàn năm có một nào đó, khiến con vật sống bỗng chốc bị "đóng băng" ngay lập tức trong một loại vật liệu có tính bảo quản cao nào đó, ví dụ trong một trận lũ bùn khắc nghiệt và đột ngột.

Các tác giả cho hay toàn bộ công đoạn khai quật, nghiên cứu sẽ mất đến vài năm, sau đó con khủng long mới có thể được trưng bày trước công chúng.

Nguồn: Báo Người Lao Động

Tin mới