Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khủng hoảng chính trị chưa từng có ở Haiti sau vụ ám sát tổng thống

Việc chọn ra người cầm quyền của Haiti đang đi vào khủng hoảng khi cả thủ tướng lâm thời và thủ tướng được tổng thống bổ nhiệm đều "không hợp pháp".

Cơn bão chính trị ở Haiti ngày càng dữ dội khi hai thủ tướng - thủ tướng lâm thời và thủ tướng được bổ nhiệm - tranh giành quyền điều hành đất nước, tạo ra một cuộc chiến quyền lực lạ thường ở đất nước tây bán cầu, sau khi Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát tại nhà riêng vào ngày 7/7, theo New York Times.

Thủ tướng lâm thời của Haiti Claude Joseph cho biết ông đã nắm quyền chỉ huy cảnh sát và quân đội, ban bố tình trạng thiết quân luật trên khắp cả nước.

Các chuyên gia hiến pháp đặt câu hỏi về quyền hạn của ông khi áp đặt tình trạng này. Trong khi đó, đối thủ của ông Joseph nhanh chóng thách thức tuyên bố nắm quyền của ông.

Hai ngày trước khi qua đời, Tổng thống Moïse đã bổ nhiệm một thủ tướng mới, Ariel Henry, người đáng lẽ sẽ đảm nhận vai trò thủ tướng trong tuần này. Ông Henry nói với một tờ báo địa phương rằng ông mới là thủ tướng hợp pháp.

Tuyên bố của hai bên đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị khiến các chuyên gia hiến pháp bối rối. Các nhà ngoại giao lo lắng về sự sụp đổ xã hội rộng lớn có thể gây ra bạo lực hoặc thúc đẩy người Haiti phải rời khỏi đất nước sau hàng loạt khủng hoảng, từ thảm họa thiên nhiên, đến bất ổn chính và các giai đoạn bất ổn sâu sắc khác.

Thủ tướng lâm thời của Haiti Claude Joseph phát biểu ở Port-au-Prince vào ngày 8/7, một ngày sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise. (Ảnh: Reuters)

Bộ máy "ba không"

Lilas Desquiron, cựu Bộ trưởng Văn hóa và tại chức trong giai đoạn 2001-2004, nói rằng không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra ngay lúc này, 11 triệu dân của đất nước rơi vào thế “chờ đợi và bất lực”.

Cuộc chiến quyền lực diễn ra trong lúc lực lượng an ninh Haiti truy lùng những kẻ ám sát tổng thống. Các nhà chức trách Haiti cho biết vào ngày 8/7 (giờ địa phương) rằng họ đã xác định ít nhất 28 người tham gia vào vụ tấn công, gồm 26 người Colombia và 2 người Mỹ gốc Haiti. Ba người Colombia đã bị giết trong khi 8 người khác vẫn đang lẩn trốn. Haiti khẳng định rằng "người nước ngoài" có liên quan đến vụ ám sát.

Các quan chức xác định hai người Mỹ tên là James Solages, 35 tuổi và Joseph Vincent, 55 tuổi, cư dân Florida gốc Haiti.

Nhiều người dân giận dữ đã tham gia vào cuộc tìm kiếm kẻ ám sát tổng thống, tự bắt một số nghi phạm, đốt cháy các phương tiện được cho là đã được sử dụng trong vụ tấn công.

“Hãy đốt chúng đi”, một người khóc trước đồn cảnh sát.

Sau cái chết đột ngột của tổng thống, Haiti quay cuồng với câu hỏi ai sẽ là người điều hành đất nước. Việc chỉ định người cầm quyền mới rơi vào thế khó khi Haiti không có tổng thống, không có nghị viện đầy đủ, và nhánh tư pháp không hoạt động.

Haiti là một nền dân chủ nghị viện. Tuy nhiên, nghị viện nước này hiện nay gần như đang trong tình trạng có như không. Hiện chỉ có 10 thượng nghị sĩ trong tổng số 30 ghế, vì 20 thượng nghị sĩ còn lại đã hết nhiệm kỳ. Hạ viện cũng hoàn toàn bị bỏ trống vì nhiệm kỳ của các thành viên đã hết hạn vào năm ngoái. Tổng thống Moïse đã phải điều hành đất nước bằng các sắc lệnh trong khoảng một năm.

Cảnh sát bắt giữ nghi phạm trong vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moïse ngày 8/7. (Ảnh: AP)

Ngoài ra, nhánh tư pháp hầu như không hoạt động trong năm qua vì các thẩm phán đình công liên tục để phản đối biến động chính trị và bạo lực tràn lan. Người đứng đầu tòa án tối cao của quốc gia đã qua đời vì Covid-19 vào tháng 6, tước đi một phương tiện khác để xác định ai sẽ nắm cai quản đất nước.

"Những gì đã xảy ra ở Haiti là chưa từng có. Chúng tôi đang trong tình thế không có cơ quan quản lý chính phủ hợp pháp nào", Nghị sĩ Andy Levin ở Michigan, thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói.

Theo luật của Haiti, thủ tướng do tổng thống bổ nhiệm và phải được quốc hội phê chuẩn, Jacky Lumarque, hiệu trưởng Đại học Quisqueya, một trường đại học tư thục lớn ở Port-au-Prince, cho biết. Tuy nhiên, quốc hội không hoạt động nên tính hợp pháp chính trị của cả ông Joseph và ông Herny là không tồn tại, ông lập luận.

Ông Lumarque nói: “Khó khăn là không ai trong số họ hợp pháp”.

Mâu thuẫn trong hiến pháp

Một vấn đề khiến câu hỏi về người điều hành Haiti trở nên hóc búa hơn là nước này dường như có hai hiến pháp. Hai hiến pháp này mâu thuẫn với nhau về cách xử lý nếu một tổng thống qua đời khi đang tại vị.

Hiến pháp năm 1987 nói rằng nếu vị trí tổng thống bị bỏ trống vì bất kỳ lý do gì, thẩm phán tối cao của đất nước sẽ là người can thiệp để đưa ra quyết định.

Nhưng vào năm 2012, hiến pháp đã được sửa đổi, chỉ đạo rằng một hội đồng bộ trưởng, dưới sự hướng dẫn của thủ tướng, sẽ cầm quyền thay thế tổng thống vừa qua đời. Tuy nhiên, nếu tổng thống qua đời trong năm thứ 4 của nhiệm kỳ - như trường hợp của ông Moïse, nghị viện sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống lâm thời.

Thế nhưng, như đã đề cập ở trên, nghị viện của Haiti đang không đầy đủ.

Người dân phản ứng bên ngoài đồn cảnh sát ở Port-au-Prince, nơi giam giữ các nghi phạm trong vụ am sát Tổng thống Jovenel Moïse, ngày 8/7. (Ảnh: Reuters)

Georges Michel, một sử gia người Haiti, từng giúp viết hiến pháp năm 1987, cho biết: “Mọi thứ vẫn chưa rõ ràng. Đây là một tình huống rất nghiêm trọng”.

Các quan chức Mỹ lập luận rằng điều cần quan tâm nhất hiện nay là thiết lập trật tự và ngăn chặn đụng độ vũ trang nhằm tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Tiếp theo Haiti nên bầu cử để chọn ra tổng thống mới.

Nhiều người lo ngại rằng tình hình có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát, đặc biệt là do bạo lực băng đảng, bắt cóc, biểu tình và biến động xã hội đã diễn ra tại nước này trong nhiều tháng.

Chủ tịch của Thượng viện Haiti, Joseph Lambert, cũng đưa ra thông cáo vào sáng 8/7, nói rằng Thượng viện “trấn an người dân Haiti và cộng đồng quốc tế rằng mọi chuyện sẽ được quản lý bằng các thể chế quốc gia, lực lượng chính trị và xã hội dân sự, nhằm đảm bảo không gây gián đoạn hoạt động của nhà nước và trật tự cộng hòa”.

Quốc tế đứng về ai?

Các quan chức Mỹ dường như đứng về phía thủ tướng lâm thời, ông Joseph, mặc dù ông được cho là sẽ bị thay thế trong tuần này.

Ngoại trưởng Antony J. Blinken ngày 7/7 đã nói chuyện với Thủ tướng lâm thời Joseph, đề nghị "hỗ trợ người dân Haiti và cai quản dân chủ, hòa bình và an ninh", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Ông Joseph nói rằng cuộc trò chuyện kéo dài hơn 30 phút, tận dụng cơ hội để báo hiệu với đất nước rằng ông nhận được sự ủng hộ từ Mỹ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 8/7 nói rằng ông Joseph là người "đương nhiệm" vào thời điểm xảy ra vụ ám sát, và Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với ông trên cương vị đó. Tuy nhiên, ông Price nói thêm rằng Mỹ cũng đã “liên hệ” với ông Henry, kêu gọi tất cả quan chức Haiti cùng làm việc để “kiềm chế bạo lực”.

Ông Ned Price, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng ông Claude Joseph là người "đương nhiệm" vào thời điểm xảy ra vụ ám sát. (Ảnh: AP)

Quan chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc tại Haiti cũng ủng hộ tuyên bố của ông Joseph rằng ông là thủ tướng hợp pháp.

Trong bài phát biểu trước công chúng vào ngày 7/7, ông Joseph khẳng định cương vị của ông là hợp pháp một phần dựa trên phản ứng “tiếp nhận” từ Nhóm Nòng cốt - một liên minh không chính thức gồm các đại sứ và quan chức từ Mỹ, Liên Hợp Quốc, Canada, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Liên minh châu Âu và Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ.

Nhóm này từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình nền chính trị Haiti. Nhóm này cũng hỗ trợ ông Moïse ngồi vào ghế tổng thống vào năm 2017, dù sau đó, họ đã chỉ trích rằng chính phủ của ông không tuân thủ các nguyên tắc dân chủ.

Nguồn: Zing News

Tin mới