Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Không quân Mỹ tăng cường trinh sát bầu trời Nga

Từ ngày 11 đến ngày 16/3, các phi cơ quân sự của Mỹ sẽ thực hiện các chuyến bay giám sát trên bầu trời Nga theo Hiệp ước Bầu trời mở.

Phát biểu trước báo giới, Phó giám đốc Trung tâm Giảm thiểu nguy cơ hạt nhân Quốc gia Nga Ruslan Shishin cho biết, phía Mỹ sẽ đẩy mạnh các hoạt động trinh sát bầu trời Nga trong tuần này theo Hiệp ước Bầu trời mở. Các chuyến bay sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 3 và được không quân Mỹ thực hiện chung với Na Uy. Chiếc máy bay trinh sát OC-135B của Mỹ sẽ cất cánh từ sân bay Khabarovsk (vùng Khabarovsk, Nga).

 Một chiếc OC-135B của Không quân Mỹ. (Ảnh: MiLru)

Phi cơ quân sự Mỹ sẽ phải bay theo một hành trình đã thỏa thuận trước. Các chuyên gia Nga có mặt trên chuyến bay có quyền giám sát việc tuân thủ các thông số chuyến bay và việc sử dụng các thiết bị đã thỏa thuận. Việc sử dụng vũ khí trên những chiếc máy bay do thám như thế này bị cấm hoàn toàn theo điều khoản hiệp ước các bên ký kết. 

Kể từ đầu năm 2019, Mỹ liên tục đẩy mạnh hoạt động trinh sát bầu trời Nga. Mới đây nhất, vào sáng 28/2 chiếc Boeing OC-135B được ghi nhận là đang bay trên vùng lãnh thổ Komsomolsk-na-Amure và Chita của Nga. Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, Chita là địa điểm đóng quân của một đơn vị quân đội – lữ đoàn tên lửa được trang bị phiên bản nâng cấp mới nhất của tổ hợp “Iskander-M” với tên lửa 9M729, và có lẽ đó là trọng tâm của chuyến do thám của Mỹ.

Hiệp ước Bầu trời mở được các bên tham gia ký năm 1992 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2002, được coi là một trong những biện pháp để tăng cường niềm tin ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước cho phép các nước thành viên công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang và các hoạt động quân sự của nhau. Các bên ký kết Hiệp ước Bầu trời mở bao gồm hầu hết các quốc gia NATO, Nga, Belarus, Ukraine và một số nước khác.

Cát Tường

Tin mới