Theo The War Zone, Mỹ đang cân nhắc khôi phục các dự án máy bay chiến đấu hạng nhẹ để đáp ứng chương trình máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.
The War Zone đưa tin rằng Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng David Allvin tiết lộ về máy bay chiến đấu hạng nhẹ tại Hội nghị các Chỉ huy Không quân và Vũ trụ Toàn cầu ở London, làm dấy lên các cuộc tranh cãi về tương lai của phi đội máy bay chiến đấu nước này.
Không quân Mỹ cân nhắc khôi phục máy bay chiến đấu hạng nhẹ, tiết kiệm chi phí trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
Khái niệm máy bay chiến đấu hạng nhẹ được hiểu giống như một chiếc F-35 thu nhỏ, tập trung vào khả năng đáp ứng phần mềm của máy bay trong thực hiện các nhiệm vụ thay vì phần cứng truyền thống.
Gần đây, chương trình "Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD)" của Không quân Mỹ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ vì chi phí quá cao cho máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ sáu.
Vì vậy, tầm nhìn về máy bay hạng nhẹ tập trung vào các bản nâng cấp nhanh chóng cho máy bay để duy trì lợi thế trước đối thủ, thậm chí có khả năng dẫn đến việc sản xuất nhiều máy bay chiến đấu có người lái "dùng một lần" hơn.
Không quân Mỹ cũng đang đánh giá lại chương trình NGAD, xem xét các vấn đề về chi phí khả năng chi trả và việc tích hợp máy bay không người lái và có người lái.
Theo The War Zone, đây có thể là một bước ngoặt chiến lược hướng đến một hạm đội không quân hỗn hợp, cân bằng giữa các công nghệ cao và các giải pháp tiết kiệm chi phí để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Ngoài yếu tố chi phí, việc các công nghệ thay đổi quá nhanh và máy bay có thể trở nên lỗi thời ngay trong thời gian được nâng cấp cũng là một thách thức. Các câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh không quân Mỹ đang cân nhắc nâng cấp phi đội F-22 trị giá 22 tỷ USD để kéo dài thời gian phục vụ của những máy bay này cho đến những năm 2040.
Máy bay hạng nhẹ dùng trong thời gian ngắn có thể giải quyết vấn đề này. Mục đích của các máy bay được chế tạo mới khi đó sẽ tập trung nhiều hơn vào khả năng thích nghi thay vì khả năng tồn tại lâu dài.
Tuy nhiên, cộng đồng hàng không vũ trụ Mỹ đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự thay đổi tiềm năng này. Một số giám đốc điều hành ngành công nghiệp quốc phòng được cho là đang tỏ ra bối rối.
Theo các chuyên gia, nếu Không quân Mỹ thực sự theo đuổi kế hoạch về máy bay chiến đấu hạng nhẹ có khả năng phối hợp với các loại hình khác như máy bay không người lái, họ có thể sẽ bắt đầu từ những máy bay huấn luyện chiến thuật tiên tiến như Boeing T-7.
Tóm lại, mặc dù máy bay chiến đấu hạng nhẹ có thể không lý tưởng để xuyên thủng các hệ thống phòng không tiên tiến, nhưng tiềm năng kiểm soát các đợt tấn công, cùng với máy bay không người lái hỗ trợ trong các vùng chiếm ưu thế đã làm nổi bật giá trị chiến lược của nó.
Ngoài ra, những người ủng hộ nhìn thấy tiềm năng của máy bay chiến đấu hạng nhẹ trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế với các đồng minh thiếu máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ.