Tháng 7/2021, bà N.T.T. (81 tuổi, Hà Nội) được xác định mắc COVID-19. Do tuổi cao, lại mắc bệnh nền suy giáp, tiền đình, bà T. tiến triển rất nặng, hôn mê, phải nằm hồi sức tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân sau đó may mắn qua khỏi, được xuất viện sau khoảng 1 tháng điều trị.
Tuy nhiên, sau ra viện, bà T. vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác về sức khỏe. “Lúc mới về, tôi ám ảnh, mất ngủ vì nhớ lại những người nằm giường cạnh bên hồi điều trị. Họ đều diễn tiến rất nặng. Bây giờ thì bị đau họng, có lúc không nuốt được, mất ngủ, khớp đau rất nhiều”, bà T. kể.
Sáng 25/2, bà T. được gia đình đưa tới khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương do nghi gặp phải hội chứng hậu COVID-19.
Bác sĩ Trần Minh Quân, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thăm khám cho bệnh nhân N.T.T.
Bác sĩ Trần Minh Quân, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết trường hợp bà T. có nguy cơ hậu COVID-19 rất cao.
“Những di chứng COVID-19, đặc biệt là thở máy có thể làm nặng tình trạng xơ phổi, tim mạch cũng như cơ quan khác của người bệnh. Với trường hợp này, chúng tôi phải kiểm tra rất kĩ, bà cần làm nhiều xét nghiệm, kiểm tra các chức năng gan thận và tầm soát rất cẩn thận để không bị bỏ sót”, bác sĩ Quân cho hay.
Ngoài bà T., một bệnh nhân khác cũng tới Khoa Khám bệnh xin khám hậu COVID-19 trong sáng 25/2 là anh N.V.N. (30 tuổi, Hà Nội). Anh N. chia sẻ đã khỏi COVID-19 khoảng 2 tháng nay. Gần đây, anh thấy thỉnh thoảng lại bị ngứa và nổi các nốt sần trên da như muỗi đốt tại vùng tay chân, ngực. Bên cạnh đó, người bệnh cũng bị mất ngủ thường xuyên, ngủ không sâu, nửa đêm hay tỉnh giấc.
Theo bác sĩ Quân, thời gian gần đây, Khoa khám bệnh tiếp nhận khá đông các bệnh nhân đến khám hậu COVID-19, trung bình 1 ngày có khoảng 5-10 trường hợp, ngày cao điểm lên tới 20 ca. Ngoài tới khám trực tiếp, một số bệnh nhân gọi điện xin bác sĩ tư vấn qua điện thoại. Đa số trường hợp đều có dấu hiệu ho, khó thở, stress tâm lý, mất ngủ, mệt mỏi kéo dài.
Bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 nếu vẫn tồn tại các triệu chứng kéo dài từ 4-12 tuần được gọi là tình trạng “hội chứng COVID-19 kéo dài”. Tuy nhiên, nếu như sau 12 tuần, các triệu chứng vẫn tồn tại hoặc xuất hiện thêm triệu chứng mới, không thể lý giải bằng các bệnh lý khác thì được coi là “hội chứng hậu COVID-19”.
Theo TS Trần Văn Giang, Phó trưởng Khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, biểu hiện của hậu COVID-19 rất phong phú, đa dạng, các tổn thương cũng thể hiện ở nhiều cơ quan. Qua các nghiên cứu cũng như trong định nghĩa của WHO về hậu COVID-19, vấn đề mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức… được ghi nhận nhiều nhất (tuy nhiên, số mẫu nghiên cứu chưa thể đại diện hết vì số bệnh nhân nhiễm COVID-19 đến thời điểm này vẫn tiếp tục tăng lên).
Về đối tượng dễ mắc hậu COVID-19, theo TS Giang, kể cả F0 diễn tiến nhẹ, không phải nhập viện đến trường hợp phải nhập viện đều có thể có biểu hiện của hậu COVID-19. Ngoài ra, hội chứng này gặp ở tất cả các lứa tuổi (với trẻ em, các dấu hiệu hậu COVID-19 ít gặp hơn, tuy nhiên không phải không gặp). Riêng nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch, cần có nhiều can thiệp trong giai đoạn điều trị chính (bệnh nhân Khoa ICU và Cấp cứu), vấn đề hậu COVID-19 có thể nhiều hơn, trầm trọng hơn.
Một nam bệnh nhân tới khám hậu COVID-19.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam thông tin, một số nghiên cứu cho thấy, từ 70-80% các bệnh nhân sau khỏi COVID-19 sẽ có một vài triệu chứng hậu COVID-19 dù giai đoạn nhiễm bệnh diễn tiến nặng hay nhẹ.
Bác sĩ Cấp nhấn mạnh, các ảnh hưởng của vấn đề hậu COVID-19 hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Nếu gặp phải tình trạng như mệt mỏi, mất khả năng làm việc hoặc rối loạn về trí nhớ, hành vi, giấc ngủ, người bệnh nên đi khám để được điều trị càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, nếu gặp các vấn đề nhẹ, ít nghiêm trọng hơn và có thể tự khắc phục tại nhà, người bệnh có thể xin tư vấn của bác sĩ để được hướng dẫn các giải pháp tự hồi phục sức khỏe.
Cũng theo bác sĩ, hầu hết hội chứng hậu COVID-19 không gây nguy hiểm chết người mà chỉ gây rối loạn về nhịp sống, nhịp sinh hoạt, khả năng lao động. Sự tự khắc phục của bệnh nhân bởi vậy rất quan trọng, đặc biệt là với triệu chứng mất ngủ, lo lắng, đòi hỏi bệnh nhân phải tự thay đổi cuộc sống, tự điều chỉnh mình.