Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Không nên chỉ dùng tiền của Nhà nước để làm quy hoạch quốc gia

(VTC News) -

Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) khi thảo luận về nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sáng 6/1, tại cuộc thảo luận ở tổ, ông Hồi đã nêu ý kiến về nội dung quy hoạch quốc gia. Dẫn ví dụ của Hải Phòng về việc huy động kinh phí từ nhiều nguồn lực trong xã hội, ông Hồi cho rằng, ở Hải Phòng có nhiều quy hoạch của địa phương cho ngành công nghiệp, quy hoạch biển, quy hoạch cảng, quy hoạch đô thị, giao thông...thành công. Nguyên nhân là Hải Phòng đã biết huy động nguồn lực tổng thể, từ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách của địa phương trong quy hoạch đến huy động nguồn lực tài chính từ cộng đồng để cùng tham gia đóng góp, giảm bớt khó khăn cho ngân sách địa phương.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi

Từ dẫn chứng trên, ông Hồi cho rằng: “Việc quy hoạch quốc gia không chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước mà phải gắn với công tác tuyên truyền, vận động để có sự vào cuộc hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, từ đó có sự đồng thuận và đạt kết quả tốt nhất”.

Đánh giá cao về nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia, trong đó có sự chuẩn bị công phu của cơ quan soạn thảo, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết, quy hoạch tổng thể quốc gia đã có nhiều nét lớn, đột phá mà trước đây chưa xác định rõ như quy hoạch đất gắn với không gian biển, quy hoạch khai thác không gian ngầm. Đây là vấn đề mà TP.HCM đang quan tâm, phù hợp với xu thế phát triển hiệu quả, bền vững.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý quy hoạch cần xác định rõ lộ trình thực hiện, cần thể hiện xuyên suốt việc triển không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.

"Quy hoạch xây dựng cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, có một số định hướng lớn chưa thực hiện ngay được. Do đó, cần có thể chế đi liền, làm sao đảm bảo quyền lợi người dân khi chúng ta thực hiện quy hoạch. Bởi trên thực tế, có tình trạng khi mới lên quy hoạch, hoặc mới có ý tưởng thì khu nhà dân ở trong diện quy hoạch đã vướng ngay một số quyền lợi, chưa được đảm bảo giống như các nơi khác. Có thể "treo" về ý tưởng, còn khi thực hiện cần có lộ trình rõ ràng để không ảnh hưởng quyền lợi người dân", đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ.

Trong khi đó, phát biểu thảo luận tại tổ đại biểu TP.HCM về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, đi liền với hội nhập sâu rộng, cần phải có thể chế tích cực, đồng bộ. Từ đột phá trong thể chế sẽ tạo được đột phá trong phát triển.

Nhắc lại quá trình quá trình gian nan, kéo dài, nhiều ý kiến khác nhau gay gắt trong suốt quá trình xây dựng cho đến khi thống nhất, ban hành được Luật Quy hoạch, Chủ tịch nước lưu ý: “Với thời gian quy hoạch rất dài, tầm nhìn gần 30 năm trong một giai đoạn thế giới đầy biến động, công nghệ đổi mới sáng tạo phát triển như vũ bão thì tính dự báo trong quy hoạch là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định hiệu quả của quy hoạch”.

Bên cạnh đó, để quy hoạch không bị lạc hậu, cần có sự đánh giá tình hình, cập nhật thường xuyên; chú trọng bảo vệ các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu…Trong các yếu tố quyết định thành công của việc thực hiện quy hoạch, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhìn nhận chung về dự thảo quy hoạch, Chủ tịch nước ví von: “Dù còn mặt này mặt khác, nhưng coi như xương sống, xương sườn đã có, bây giờ Chính phủ cần ban hành nghị định để hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện”.

Liên quan đến một số mục tiêu cụ thể được đề ra trong quy hoạch, theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao (Quy hoạch đưa ra hai kịch bản tăng trưởng) với lý do chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

PHẠM DUY

Tin mới