Mỹ có thể phòng vệ trước những phương tiện lượn siêu thanh bằng cách phân tán các đám mây bụi trên quy mô lớn trong khu vực mà các phương tiện trên sẽ bay qua, một báo cáo mới của Mỹ cho hay. Việc các vũ khí này di chuyển qua một khu vực như vậy với tốc độ cao sẽ khiến chúng dễ bị hỏng hoặc bị phá hủy.
Ý tưởng trên được thảo luận trong một tài liệu công bố tuần này bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế. Các tác giả nhấn mạnh, ý tưởng này hoàn toàn khả thi "nhờ sự hỗ trợ từ Raytheon Technologies và Lockheed Martin”, những tập đoàn quốc phòng đang phát triển công nghệ chống tên lửa cho quân đội Mỹ. Các chuyên gia cũng cho rằng các tên lửa siêu thanh không phải không thể ngăn chặn.
Tàu chiến Nga thử nghiệm tên lửa siêu thanh Zircon trên biển Barents, tấn công mục tiêu từ khoảng cách hơn 400km. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Theo đó, các chuyên gia gợi ý, Mỹ có thể sử dụng các phân tử được thiết kế lơ lửng trong không khí như một "bức tường bụi" nhằm chống lại các tên lửa siêu thanh. Họ thậm chí đề xuất sử dụng vi sóng như một cách để can thiệp vào các chức năng của tên lửa. Theo các nhà nghiên cứu, những sự gián đoạn này sẽ làm hỏng các chức năng của tên lửa và việc bắn hạ chúng sẽ gặp ít thách thức hơn.
Tài liệu trên cũng khám phá các ý tưởng đối phó với các vũ khí siêu thanh, không chỉ là các phương tiện lượn mà còn cả các tên lửa hành trình. Những ý tưởng này bao gồm việc triển khai các hệ thống chống tên lửa để buộc các đối thủ phải lên kịch bản cho những hướng tấn công ít thuận lợi hơn, hoặc sử dụng vi sóng để vô hiệu hóa các thành phần điện tử của tên lửa nhằm phá hủy chúng bằng các vũ khí laser.
Các vũ khí siêu thanh được cho là kẻ thách thức cuộc chơi trong cán cân quyền lực chiến lược bởi tốc độ di chuyển của chúng và khả năng thực hiện những đường bay khó đoán. Điều này khiến cho chúng khó có thể bị đánh chặn bằng những cách thức truyền thống so với những ICBM cũ hơn, vốn bay theo những hướng dễ đoán.
Nga khẳng định đã phát triển được phương tiện lượn siêu thanh có tên là Avangard như một phần của lực lượng răn đe hạt nhân. Trung Quốc cũng hiểu được việc cần phát triển các loại vũ khí này.
Mỹ đã đầu tư mạnh vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo từ năm 2002, sau khi rút khỏi một hiệp ước mà nước này từng ký với Liên Xô để hạn chế cả hai phát triển những công nghệ này.