Trả lời VTC News ngày 16/11, chuyên gia về môi trường PGS.TS Vũ Thanh Ca (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu do lượng rác thải nhựa đổ vào đại dương có nguy cơ tăng gấp nhiều lần trong những năm tới nếu không có hành động quyết liệt nhằm giảm mạnh lượng sản xuất nhựa.
“Mức độ ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã ở mức cực kỳ nguy hiểm. Ô nhiễm rác thải nhựa tàn phá hệ sinh thái, bức tử nhiều sinh vật biển, trong đó có nhiều loài quý hiếm”, PGS.TS Vũ Thanh Ca nói.
Mặt biển chỗ nào cũng có rác thải nhựa
PGS.TS Vũ Thanh Ca cho biết, theo tính toán của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, tổng lượng chất thải nhựa mang ra đại dương thế giới do dòng chảy của các con sông, do thải trực tiếp từ các hoạt động trên bờ biển và trên biển là khoảng 6,4 triệu tấn. Khảo sát của UNEP cho thấy tới 80% các rác thải trong đại dương thế giới là rác thải nhựa, và hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa bị rò rỉ xuống biển mỗi năm.
Ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang ở mức báo động đòi hỏi có hành động quyết liệt nhằm giảm mạnh lượng sản xuất nhựa. (Ảnh: A Khang)
Hiện nay đại dương thế giới đã chứa khoảng 275 triệu tấn chất thải nhựa. Tính trung bình, mỗi km2 mặt nước đại dương thế giới hiện nay chứa từ 13.000 tới 18.000 mẩu rác thải nhựa. Khoảng 49% rác thải nhựa là nổi và sẽ bị vận chuyển đi khắp đại dương thế giới, sau đó tích tụ lại tại các xoáy quy mô lớn trên biển. Một lượng rất lớn rác thải nhựa ở biển sẽ chìm xuống đáy biển và phá hoại các hoạt động sống ở đáy biển. Tính toán từ các cơ quan uy tín về môi trường cho thấy chất thải nhựa đã gây thiệt hại tới 8 tỷ USD cho hệ sinh thái biển.
“Ô nhiễm chất thải nhựa ở biển là một trong những đe dọa lớn nhất của đại dương thế giới, đã và đang phá hoại các hoạt động kinh tế, xã hội tại các vùng biển và vùng bờ biển, như du lịch, nghỉ dưỡng, nghề cá và giao thông, môi trường, đa dạng sinh học và nguồn lợi cá biển, sức khỏe và sự an toàn của con người… Các dụng cụ đánh cá bị bỏ, thí dụ như lưới, có khả năng làm vướng và giết chết các động vật biển theo kiểu mà người ta gọi là “đánh cá ma”. Nhiều động vật biển bị chết hoặc trở thành mồi săn do mắc phải các lưới bị bỏ đi”, PGS.TS Vũ Thanh Ca nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, nghiên cứu gần đây của Jambeck và nnk (2015) đánh giá rằng 50% lượng rác thải nhựa ở biển trên toàn thế giới là do các nước xung quanh Biển Đông như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan. Trong đó Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về xả rác thải nhựa ra biển.
Dù chưa đồng tình với báo cáo này, song PGS.TS Vũ Thanh Ca cho rằng biển Việt Nam hiện nay rất nhiều rác. Tại các bãi tắm được dọn rác thường xuyên, có thể thấy rất nhiều túi nilon trôi trong nước. Tại một số khu vực, rác thải nhựa đã tích tụ một lượng rất lớn trên bãi biển.
Nguyên nhân hiểu biết về rác thải nhựa ở biển tại Việt Nam còn rất hạn chế. Vì giá thành rẻ và tiện dụng, các sản phẩm nhựa hiện nay được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, nhưng rác thải nhựa chưa được quản lý và tái sử dụng, tái chế phù hợp. Hiện nay, chưa có những quy định pháp luật cụ thể để quản lý việc sản xuất, buôn bán và sử dụng sản phẩm nhựa và quản lý rác thải nhựa.
Dự báo rằng với sự phát triển kinh tế xã hội, nếu không hành động ngay và khẩn cấp, lượng rác thải nhựa bị thải ra biển của Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ, và sẽ có tác hại rất lớn không chỉ tới tới môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học và phát triển kinh tế biển mà còn có tác hại tới vùng biển các nước khác trong khu vực.
“Nguy cơ rác thải nhựa đổ vào đại dương tăng mạnh trong vài năm qua và những năm tới đang đe dọa đến các hệ sinh thái, môi trường sống của các loài sinh vật biển và con người. Thực tế đó đòi hỏi thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải chung tay khẩn trương hành động để giải quyết thách thức nghiêm trọng này trước khi quá muộn”, PGS.TS Vũ Thanh Ca cho hay.
Việt Nam nỗ lực giải quyết rác thải đại dương
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Quế Lâm, nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu. (Ảnh: A Lộc)
Ông Lâm cho biết ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, chất lượng môi trường và môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên thế giới. Thực tế đó đòi hỏi thế giới phải chung tay khẩn trương hành động để giải quyết thách thức nghiêm trọng này trước khi quá muộn.
Theo ông Lâm, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia quá trình xây dựng và đã có những đóng góp bước đầu đối với việc hình thành một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Việt Nam luôn ủng hộ và sẵn sàng tham gia thảo luận để cùng xây dựng một thỏa thuận về ô nhiễm nhựa đại dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc, vì một đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Tháng 6/2021, Việt Nam cùng 77 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu ủng hộ tuyên bố ngày đại đương về ô nhiễm nhựa, qua đó kêu gọi việc thành lập ủy ban đàm phán liên chính phủ để nhanh chóng bắt đầu tiến trình đàm phán cho một thỏa thuận toàn cầu mang tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa.
Ông Lâm cũng kêu gọi và đề nghị các quý vị đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận về các giải pháp huy động sự tham gia của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, rác thải đại dương, đề xuất những mô hình sản xuất, tiêu thụ bền vững sản phẩm nhựa...
Bên cạnh đổi mới về chính sách, Việt Nam cũng tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm nhựa; tăng cường nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ. Việt Nam đã thiết lập một cơ chế đối tác cho phép doanh nghiệp sản xuất và cơ quan chính phủ hợp tác trong giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.
Cần có những chính sách kiểm soát và tài chính phù hợp để hạn chế thải rác nhựa ra môi trường biển. (Ảnh: A Lộc)
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Việt Nam đã làm nhiều biện pháp nhằm giảm rác thải nhựa ra biển, trong đó có hệ thống chính sác pháp luật. Tuy nhiên việc triển khai yếu kém chưa thực sự hiệu quả.
Ông Ca cho rằng ngoài cải tiến hệ thống pháp luật quốc gia, cần phải thay đổi thái độ của người dân đối với việc sử dụng sản phẩm nhựa thông qua giáo dục và truyền thông. Điều này có nghĩa là người dân phải hiểu biết về nguồn gốc và tính nguy hiểm của rác thải nhựa ở biển, và do vậy giảm sử dụng sản phẩm nhựa bằng cách sử dụng các sản phẩm khác cũng như quản lý tốt hơn chất thải nhựa với mục đích giảm rác thải nhựa ở biển nói riêng cũng như ô nhiễm chất thải nhựa nói riêng.
Một trong những cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở biển là nâng cao nhận thức của mọi người về rác thải nhựa ở biển và những tác hại của nó. Mọi người phải thay đổi thái độ của họ về việc sử dụng sản phẩm nhựa và phải hiểu rằng có các lựa chọn thay thế cho việc sử dụng sản phẩm nhựa.
Đồng thời, các giải pháp khuyến khích việc hạn chế sản xuất và buôn bán sản phẩm nhựa cần được áp dụng. Có thể thực hiện một phần những nội dung này bằng các chương trình giáo dục và tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cộng đồng về rác thải nhựa ở biển, các tác hại của nó và những lựa chọn thay thế cho việc sử dụng sản phẩm nhựa tại Việt Nam.
Ngoài ra, cần khuyến khích tái sử dụng các sản phẩm nhựa làm bao bì cho hàng hóa. Thí dụ, các hộp đựng kem, đựng thực phẩm có thể được hộ gia đình tái sử dụng làm hộp đựng thức ăn, giảm lượng màng hoặc túi nilon dùng bọc để giữ thực phẩm trong tủ lạnh.
Cần có những chính sách kiểm soát và tài chính phù hợp để hạn chế túi nilon. Thí dụ, coi túi nilon là một loại hàng hóa có khả năng gây ô nhiễm đặc biệt, cần phải được cấp phép để sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng thuế môi trường đối với loại túi này; kết hợp giữa các lực lượng cảnh sát môi trường, cơ quan thuế và cơ quan bảo vệ môi trường để loại trừ việc sản xuất trái phép các loại túi nilon rẻ tiền.
“Cần nhận thức rằng hiện nay Việt Nam đang là một nước có mức tiêu thụ nhựa thấp so với thế giới và yêu cầu phát triển kinh tế vẫn đòi hỏi sử dụng rất nhiều sản phẩm nhựa. Do vậy, việc quản lý tốt rác thải nhựa sẽ là điều kiện tiên quyết dể giải quyết vấn đề này. Muốn làm như vậy, phải có những quy định bắt buộc bằng văn bản pháp luật về việc cần phân loại, thu gom và tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa.
Đối với đô thị, cần xây dựng các mô hình phân loại rác thải nhựa tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa.
Đối với nông thôn, cần xây dựng và phổ biến mô hình tự xử lý rác thải tại hộ gia đình, trong đó phân loại rác thải nhựa để thu gom tập trung tái chế hoặc xử lý. Cần xây dựng và áp dụng một cơ chế tài chính bền vững cho việc này”, PGS.TS Vũ Thanh Ca đề xuất.
Nguy cơ rác thải nhựa đổ vào đại dương tăng gấp 3 lần vào năm 2040
Nghiên cứu của các tổ chức The Pew Charitable Trusts và SYSTEMIQ chỉ ra rằng nếu các quốc gia và doanh nghiệp không hành động, lượng rác thải nhựa đổ ra biển sẽ tăng từ 11 triệu tấn lên 29 triệu tấn mỗi năm. Đến năm 2040, lượng rác thải nhựa tồn tại trong đại dương sẽ lên đến 600 triệu tấn.
Nghiên cứu của Pew và SYSTEMIQ cũng cho rằng những cam kết của các chính phủ và doanh nghiệp hiện nay trên thế giới sẽ chỉ góp phần giảm 7% lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương vào năm 2040.
Để giảm 80% lượng rác thải nhựa ở đại dương, các nhà nghiên cứu cho rằng cần sử dụng các vật liệu có thể phân hủy để thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần. Các bao bì đóng gói nên được thiết kế lại để tăng gấp đôi lượng sử dụng vật liệu có thể tái chế.