Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Không dùng ngữ liệu sách giáo khoa để ra đề văn có ngăn học sinh học tủ?

(VTC News) -

Nhiều giáo viên nhận định, ngữ liệu chỉ là vỏ bọc bên ngoài còn năng lực, kỹ năng mà học sinh được trang bị mới là thứ cốt lõi.

Nhiều giáo viên ủng hộ Bộ GD&ĐT quy định các trường không sử dụng văn bản, đoạn trích, ngữ liệu trong sách giáo khoa để đưa vào đề kiểm tra định kỳ Ngữ văn. Điều này hướng tới mục tiêu học sinh vận dụng linh hoạt kiến thức, kỹ năng đã học khi làm bài kiểm tra với những văn bản mới cùng thể loại, thay vì phụ thuộc vào sách giáo khoa, văn mẫu.

Ngăn học tủ, học theo văn mẫu

Kể từ khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, đa phần các giáo viên đều biết đến phương pháp ra đề trên. Việc lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để ra đề kiểm tra, đề thi cũng được nhiều trường học áp dụng trong khoảng 3 năm trở lại đây.

Cô Nguyễn Thị Thuý, giáo viên Ngữ văn trường THPT chuyên Thái Bình (Thái Bình) đánh giá, phương pháp ra đề kiểu mới này giúp giải quyết tình trạng học tủ, nâng cao năng lực tự giải quyết vấn đề cho học sinh. "Việc sử dụng các văn bản ngoài sách giáo khoa làm ngữ liệu đọc hiểu, nghị luận góp phần giải quyết tình trạng dạy và học theo văn mẫu, nâng cao năng lực tự giải quyết vấn đề cho học sinh'', cô Thuý nhấn mạnh. 

Mục đích của dạy Ngữ văn là để người học rèn luyện năng lực xử lý văn bản cùng loại được học, tự viết và trình bày vấn đề của văn bản mới, không dừng lại ở việc thâm nhập và ghi nhớ nội dung văn bản cụ thể đã được học.

"Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu cần đạt ở môn Văn là hình thành kỹ năng đọc hiểu, viết, phân tích và bình luận, đồng thời khơi gợi sự sáng tạo trong tư duy mới là kỹ năng quan trọng. Ngữ liệu chỉ là vỏ bọc bên ngoài còn năng lực, kỹ năng mà học sinh được trang bị mới là thứ cốt lõi", cô Thuý nói. 

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thảo Linh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Cổ Loa (Hà Nội) đánh giá, quy định mới sẽ giải quyết triệt để vấn nạn dạy tủ, học tủ, học vẹt chạy theo thành tích bao năm qua, khiến nhiều học sinh và thậm chí cả giáo viên thiếu tính chủ động, sáng tạo. 

"Việc đổi mới này cũng sẽ giúp đánh giá công bằng giữa các học sinh. Tự làm một đề mới, các em buộc phải vận dụng tư duy bằng chất xám của chính mình, không phải dựa vào việc học thuộc, học tủ. Khi đó, giáo viên cũng sẽ có những đánh giá khách quan hơn về năng lực của từng học sinh", cô Linh nói và cho biết, đổi mới này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục Việt Nam trong tương quan quốc tế.

Bộ GD&ĐT yêu cầu không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa Ngữ văn để kiểm tra. (Ảnh minh hoạ)

Việc chấm thi cần khách quan hơn

Bất kỳ phương pháp nào cũng đều có ưu nhược điểm. Với một tác phẩm mới, trong thời gian ngắn để học sinh có thể cảm thụ được sâu sắc là vấn đề hạn chế. Đặc biệt với những học sinh trung bình yếu, việc cảm thụ các tác phẩm này lại càng gặp nhiều khó khăn. 

Từ hạn chế trên, cô Nguyễn Thị Thuý nhấn mạnh, vai trò định hướng và dẫn dắt của giáo viên rất quan trọng. Để làm được điều này, giáo viên cần trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn.

"Giáo viên buộc phải đọc đủ các bộ sách giáo khoa hiện hành để cung cấp phương pháp toàn diện cho học sinh. Từ đó dẫn dắt học sinh phát huy tính tích cực, chủ động trong việc tiếp cận tác phẩm văn chương, để học sinh không bối rối trước các ngữ liệu chưa từng đọc bao giờ", cô Thuý nói.

Với phương pháp ra đề mới, giáo viên được chủ động trong việc chọn ngữ liệu nhưng không phải ''thích chọn ngữ liệu nào cũng được''. Khi lựa chọn ngữ liệu cần phù hợp với học sinh thay vì chọn theo sở thích của giáo viên.

Nữ giáo viên nhấn mạnh thêm, ngữ liệu được chọn phải có nguồn gốc rõ ràng, trích dẫn đầy đủ, hướng đến những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, có khả năng khơi gợi rung cảm thẩm mỹ và các giá trị sống tốt đẹp cho học sinh.

Về phần đánh giá học sinh, cô Nguyễn Thảo Linh bày tỏ, việc đề thi mở, đáp án mở thì cách chấm điểm cũng phải mở và khách quan hơn. 

"Khi đáp án không còn bị chi phối bởi những kết luận vốn đã quen thuộc trong sách giáo khoa, giáo viên không nên áp đặt học sinh vào khuôn ý máy móc do mình đưa ra, bởi mỗi em sẽ có những khả năng đọc hiểu và cảm thụ khác nhau", cô Linh nhấn mạnh.

Trong công văn hướng dẫn, Bộ GD&ĐT yêu cầu việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn cần thực hiện theo đúng quy định, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình, tăng cường việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập. Các trường cần tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT.

Kim Nhung

Tin mới