Chia sẻ với VTC News, chuyên gia Đoàn Minh Xương khẳng định để có được những nhân tài đủ sức trụ lại ở những nền bóng đá phát triển, các CLB Việt Nam phải nâng cấp quá trình đào tạo, tuyển chọn.
Từ Văn Hậu hiện tại hay Công Phượng, Xuân Trường trước đây, ta thấy để thi đấu tốt ở những nền bóng đá phát triển, nỗ lực tự thân từ cầu thủ hay một số CLB là chưa đủ.
Văn Hậu trong màu áo Heerenveen.
- Nếu không được thi đấu ở đội một từ nay đến cuối mùa, Văn Hậu nên cố gắng trụ lại Heerenveen hoặc một đội khác ở châu Âu để tiếp tục học hỏi?
Cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu, ai cũng có cái được và mất. Cái được là đến những nền bóng đá phát triển, tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp và mở mang nhiều, đặc biệt là nhận thức về bóng đá.
Chuyện đi hay ở, Văn Hậu phải tự trả lời. Thời gian qua em đã cải thiện được ngoại ngữ chưa, thích ứng được chuyên môn không. Chỉ em mới có thể trả lời. Muốn ở lại thi đấu, em phải thể hiện bằng quyết tâm và hành động, không ai làm thay được hết.
Người hâm mộ cũng nên nhận xét nhẹ nhàng và nghĩ thoáng với những ai đã và đang thi đấu ở nước ngoài, bởi để có thể thành công ở những nền bóng đá phát triển là rất khó khăn, đặc biệt với điều kiện đào tạo trong nước hiện tại. Không biết 10, 20 năm nữa chúng ta có cầu thủ nào thành công ở Hà Lan hay không.
Video: Văn Hậu kiến tạo thành bàn ở đội trẻ Heerenveen
- Ông có đề cập đến việc đào tạo như ở trong nước hiện tại sẽ rất khó tìm ra nhân tố đủ hay để đá chính ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu. Dường như cầu thủ chỉ là phần ngọn, còn cái gốc vẫn là quá trình huấn luyện?
Để đào tạo được lứa cầu thủ chất lượng thì trong quy trình tuyển chọn và đào tạo phải có sự thay đổi. Trước giờ chúng ta chỉ đào tạo cầu thủ để đá cho CLB trong nước hay ĐTQG thôi, còn đào tạo để xuất khẩu ra nước ngoài thì chưa.
minhxuong-1502410862928-crop-1502413551474.jpg
Phải làm lại, đầu tư cho công tác tuyển chọn thì may ra 10 năm nữa mới có cầu thủ trẻ như Văn Hậu
Chuyên gia Đoàn Minh Xương
Mọi CLB, ngay cả HAGL, đều chưa đặt ra hay suy nghĩ nghiêm túc về việc đào tạo cầu thủ để bán sang nước ngoài.
Chúng ta phải nghĩ là đào tạo để bán lấy tiền, làm ra tiền, sản phẩm có tốt mới thu lại lợi ích kinh tế. Đặt vấn đề nghiêm túc thì việc tuyển chọn, đào tạo mới tiếp cận được tiêu chuẩn thế giới.
Suy cho cùng, cầu thủ muốn sang Mỹ thì phải đảm bảo tiêu chuẩn Mỹ, sang châu Âu phải có tiêu chuẩn châu Âu. Phải đào tạo thế nào để có tiêu chuẩn đó, thì các CLB hiện nay đều chưa có đầu tư đúng mức.
Do đó, những cầu thủ như Xuân Trường, Công Phượng, Văn Hậu so với mặt bằng Việt Nam là tài năng, nhưng các em chưa đạt yêu cầu của những nền bóng đá phát triển.
Đơn cử như ngoại ngữ. Nếu muốn đào tạo cầu thủ, bán sang nước ngoài, ngay từ nhỏ các CLB phải đào tạo cho các em học ngoại ngữ. Hoặc phải cho cầu thủ thích nghi chế độ dinh dưỡng chuyên nghiệp từ nhỏ, ăn bánh mì, khoai tây, thịt bò chứ không phải ăn cơm.
Đấy là những yếu tố cơ bản, chưa nói đến chuyên môn là phải cao thế nào, trình độ thể lực ra sao.
Bao nhiêu đội V-League hiện tại muốn đào tạo cầu thủ để bán?
Ví dụ trên thế giới, đào tạo trẻ phải đi qua 7 cấp độ, bắt đầu từ năm 4 tuổi. Ở Việt Nam, chúng ta thường chỉ đào tạo từ năm 11 tuổi rồi quăng các em vào đá, ai trưởng thành thì trưởng thành, ai không đá được thì tàn lụi, như thế là không được.
Chúng ta phải làm lại, đầu tư cho công tác tuyển chọn thì may ra 10 năm nữa mới có cầu thủ trẻ như Văn Hậu.
- Thất bại của U19 Việt Nam trong 2 năm qua cho thấy khoảng trống về trình độ giữa các thế hệ đã lộ rõ?
Lứa U19 Việt Nam hiện tại của Philippe Troussier không bằng lứa U19 cách đây 3 năm. Văn Hậu chỉ là trường hợp thành công cá biệt thôi. Gốc rễ vẫn là đào tạo bóng đá trẻ.
Nếu cái gốc không vững, thành công chỉ mang tính may rùi, thời điểm. Những kỳ tích trong 2 năm qua là nhờ lứa cầu thủ tốt và HLV phù hợp, còn không ai dám khẳng định trong năm 2020, 2021, mình sẽ tiếp tục thành công cả.
Lứa 2016 còn có Văn Hậu, Quang Hải hợp với lứa Xuân Trường, Công Phượng để tạo thành thế hệ chất lượng, nhưng cũng chỉ vài năm nữa là hết mà lứa kế cận vẫn chưa cho thấy chất lượng tương xứng.
Lứa U19 Việt Nam của HLV Troussier chưa cho thấy tiềm năng sáng giá.
- Việc đào tạo trẻ đồng bộ, chất lượng là trách nhiệm của mọi CLB Việt Nam, chứ không thể chỉ trông đợi vào một vài trung tâm như hiện tại?
Phương pháp tuyển chọn, đào tạo của chúng ta chưa có hệ thống. Mỗi CLB vẫn làm một kiểu. Đơn cử như vấn đề thể lực, trên thế giới, các cầu thủ phải chạy 10 km mỗi trận là rất bình thường. Như trận Liverpool đá với Atletico Madrid, mỗi đội có 5 cầu thủ chạy tới 13 km cả trận. Chúng ta phải đào tạo theo quy trình nào, nuôi dưỡng ra sao để cầu thủ sau này chạy được như vậy.
Ngoài ra, vấn đề không chỉ nằm ở việc áp dụng mô hình đào tạo quốc tế. Chỉ cần lên Google thôi, mình cũng có thể tìm ra Đức, Pháp, Anh đào tạo cầu thủ thế nào, nhưng ứng dụng ra sao khi con người Việt Nam có cơ địa khác châu Âu.
Cầu thủ Việt Nam chỉ ăn tinh bột thôi, thì phải đào tạo ra sao, các sợi cơ, chiều cao trung bình không bằng cầu thủ châu Âu thì phải xử lý thế nào, đảm bảo sức mạnh, sức bền hay không…?
Bóng đá là môn thể thao tổng hợp của nhiều yếu tố. Chúng ta ứng dụng vào Việt Nam phải có nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, theo dõi, đưa giáo án ra cho cầu thủ thực hiện xem có hiệu quả không,... rồi mới biết phương pháp đúng hay sai.
Không nhiều trung tâm áp dụng mô hình quốc tế như HAGL.
VFF phải có chương trình khung cho các CLB làm theo, ví dụ như đào tạo cầu thủ từ năm 6 tuổi khi các em bắt đầu đi học. Việc tập luyện sẽ diễn ra ngoài giờ học, tập luyện xong thì về. Các em cần được đào tạo bởi những HLV có năng lực.
Trình độ của nhiều HLV đào tạo trẻ hiện nay không tốt. Họ phải hiểu tâm sinh lý cầu thủ ở từng độ tuổi và đưa ra phương pháp phù hợp.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn áp dụng mô hình theo kiểu “trại lính”, giữ các em lại trong trung tâm để đào tạo. Ở nước ngoài, các em đến trung tâm tập, tập xong về nhà. HLV theo dõi đến năm 14, 15 tuổi mới kết luận các em có đá chuyên nghiệp hay không.
Khi được ký hợp đồng rồi, cầu thủ sẽ được đào tạo toàn diện từ ngoại ngữ, yoga đến kiểm soát tâm lý, làm chủ bản thân trong mọi tình huống.
Cứ nhìn cầu thủ chuyên nghiệp như Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi trả lời, họ không bao giờ để truyền thông khai thác lung tung, vì họ được đào tạo. Cầu thủ mình không được dạy cái đó.
- Thành công năm 2018, 2019 giúp bóng đá được quan tâm, đầu tư nhiều hơn, còn thất bại đầu năm 2020 nhắc nhở chúng ta phải phát triển bài bản nếu không muốn chu kỳ thăng hoa sớm kết thúc?
Đã đến lúc VFF và các CLB phải ngồi lại để đưa ra giáo trình đào tạo phù hợp với con người Việt Nam. Ít nhất phải có khung đào tạo chung từ 6 tuổi đến 15 tuổi, còn sau đó đào tạo thế nào là tùy CLB. Cần đảm bảo yếu tố cơ bản từ kỹ thuật, chiến thuật, tâm lý, thể lực phải theo chuẩn chung của thế giới.
Khi ấy, chúng ta xuất khẩu cầu thủ và mới đánh giá được họ thành công hay thất bại.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!