Thời điểm này năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia để học sinh cả nước có định hướng ôn tập. Tuy nhiên, năm nay Bộ sẽ không làm như vậy nữa.
Lý do Bộ GD&ĐT đưa ra là kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2019. Vì vậy, học sinh có thể dựa vào đề năm 2019 để ôn tập.
Việc công bố đề minh họa được Bộ GD&ĐT duy trì nhiều năm liền, như một định hướng cho học sinh và giáo viên ôn tập những phần kiến thức trọng tâm kiến. Đồng thời cũng giúp các thí sinh tập làm quen vói cấu trúc đề thi và làm căn cứ cho giáo viên, nhà trường lên kế hoạch ôn tập sát với đề thi, không bị giàn trải.
Học sinh cả nước đều lo lắng và gấp rút ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 khi không có đề minh họa (Ảnh minh họa)
Việc Bộ không công bố đề minh họa khiến không ít học sinh khó khăn và lo lắng. Em Trần Thanh Nga, trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẽ hiện em khá hoang mang vì không biết đề thi năm 2020 có bao nhiêu phần kiến thức lớp 10, lớp 11. Không có đề minh họa thì phạm vi kiến thức, lượng bài ôn tập rất rộng, dàn trải ở nhiều năm học và sẽ vất vả hơn cho chúng em.
Cùng tâm trạng, em Lê Ngọc Chung, trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cho rằng, nếu không công bố đề thi minh họa, Bộ GD&ĐT nên có thêm những hướng dẫn ôn tập cụ thể, hay thông tin về cấu trúc đề thi, lượng kiến thức, mức độ phân bố kiến thức chương trình lớp 10, lớp 11 chiếm bao nhiêu phần trăm để học sinh cân đối thời gian ôn tập những nội dung quan trọng.
Đỗ Khánh Huyền, trường THPT Đoan Hùng (Phú Thọ) lo lắng khi đang trong giai đoạn nước rút ôn thi học kỳ I và luyện đề thi thử THPT quốc gia. Em cho biết, dù Bộ GD&ĐT thông báo đề thi năm nay tương tự năm trước nhưng lượng kiến thức quá lớn ở cả 3 năm học. Chúng em bắt đầu thấy áp lực và mệt mỏi với những lịch học ôn tập dày đặc.
“Hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ có những phần giới hạn, khoảng kiến thức nhất định cho học sinh, để chúng em phần nào yên tâm hơn trong quá trình ôn tập”- Khánh Huyền cho hay.
Bình tĩnh ôn thi
Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), như mọi năm, các giáo viên của trường thường dựa vào đề thi minh họa để phân tích, dự đoán xu hướng ra đề thi. Năm nay, Bộ GD&ĐT không công bố đề minh họa, các trường cần đẩy mạnh hơn việc vừa học, vừa ôn tập, cùng học sinh hệ thống lại toàn bộ các mảng kiến thức trọng tâm từ lớp 10, đặc biệt là lớp 12.
"Các trường nên chủ động lên kế hoạch đảm bảo học sinh học đâu chắc đấy, không để dồn kiến thức vào một thời điểm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Cùng với đó là việc tổ chức các kỳ thi thử, luyện đề, giúp các em có phản xạ tốt hơn với các loại đề. Trường nào tổ chức được nhiều kỳ thi thử, cho thấy phổ điểm các em dành được trong kỳ thi thật sẽ cao hơn nhiều”- cô Nhiếp cho hay.
Bên cạnh đó, cô Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, đây là thời điểm các trường cần bám sát kế hoạch ôn luyện cho học sinh thông qua các đợt thi khảo sát để phân loại và có trình ôn tập cho học sinh. Chẳng hạn các em được điểm kém môn nào, hổng kiến thức môn nào thì giáo viên môn đó tăng cường ôn tập. Với mục tiêu giúp các em tiến bộ, tự tin đạt kết quả cao trong kỳ thi.
Người có nhiều năm đảm nhiệm việc ôn luyện cho học sinh khối lớp 12, cô Phạm Thái Lê, trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết, nhìn chung đề thi THPT quốc gia năm 2017, 2018 và 2019 cơ bản có mảng kiến thức như nhau, phạm vi rõ ràng và cấu trúc ma trận đề bám sát với đề minh họa.
Tuy năm nay Bộ GD&ĐT không công bố đề minh họa, nhưng học sinh không nên quá hoang mang. Cơ bản đề thi sẽ không thay đổi nhiều so với cấu trúc các năm trước, chủ yếu vẫn là kiến thức lớp 12. Đồng thời, các thầy cô giáo có kinh nghiệm và nắm bắt được hướng ra đề hàng năm, hoàn toàn đủ khả năng để hệ thống lại và dự đoán cấu trúc đề thi năm nay cho các em ôn bài được tốt nhất.
Việc cần làm trước mắt là các em học sinh tập trung làm bài kiểm tra tốt học kỳ I và lên kế hoạc ôn luyện nghiêm túc, khắt khe cho bản thân. Việc tự luyện đề thời điểm này là rất quan trọng, giúp hình thành phản xạ, kĩ năng khi làm bài và cũng để biết được chúng ta yếu ở điểm nào còn bù đắp lại.
“Tôi khuyến khích các em học sinh tự tìm tòi các đề minh họa trên mạng hoặc của những năm học trước để luyện bài. Đồng thời không được chủ quan với những kiến thức bài đã từng xuất hiện ở các đề thi THPT quốc gia 2017, 2018, 2019. Một khi các em đã nắm chắc kiến thức thì sẽ tự tin bước vào kỳ thi”- cô Thái Lê cho hay.