Hơn 1 tuần sau khi COVID-19 bùng phát trong cộng đồng ở Việt Nam, hàng loạt ngành hàng, dịch vụ đã lập tức lâm vào cơn "bĩ cực". Trong đó, ngoài các doanh nghiệp lữ hành thì khách sạn, nhà hàng đang khốn đốn nặng nề nhất. Nhiều ông, bà chủ cho biết trở tay không kịp vì dịch bệnh ập đến đúng mùa cao điểm.
Ông chủ về quê bán chuối để 'nuôi' khách sạn
Chia sẻ với PV khi đang ở quê làm vườn, ông N.V.Thắng - chủ một chuỗi khách sạn trên khu vực phố cổ (Hà Nội) - cho biết, dù mới chỉ diễn ra vài ngày nhưng lần bùng phát dịch này khiến nhiều khách sạn “tắt thở” hẳn.
Sau những đợt dịch trước, ông Thắng đã phải cho 80% nhân viên ở các tỉnh nghỉ việc, chỉ giữ lại 20% nhân viên ở ngoại thành Hà Nội để làm thời vụ, thi thoảng lau dọn, tưới cây khách sạn và phục vụ khi có khách, còn bản thân ông Thắng thì đã về quê làm vườn từ năm ngoái. Mùa nào thức nấy, ông bán nhãn, bán chuối để kiếm lời trả tiền nhân viên và duy trì tiền thuê khách sạn. “Cũng may nhà tôi còn có vườn to đất rộng dưới quê để làm nông, chứ nhiều người bạn kinh doanh khách sạn trên phố cổ của tôi giờ còn phải đi chạy Grab, làm shipper để kiếm tiền, đợi cơ hội trở lại làm nghề”, ông Thắng ngậm ngùi.
Dù cố gắng cầm cự, ông Thắng cũng đã phải đóng cửa 2 khách sạn 3 sao, chỉ còn lại 1 khách sạn hoạt động cầm chừng. Nhưng mọi việc tồi tệ hơn hẳn khi đến đợt bùng phát này. "Tôi đã phải cho 20% nhân viên còn lại nghỉ việc vì biết dịch còn diễn biến phức tạp. Còn tôi về quê tiếp tục làm vườn, 1-2 tuần lại chạy xe lên để lau dọn khách sạn. Những lúc nào may mắn có khách đặt, tôi sẽ lên làm phục vụ luôn", ông Thắng nói.
Ông Thắng nhớ lại, mặc dù lãi chẳng bù lỗ nhưng trước dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa rồi, ông rất vui vì khách sạn của ông vẫn có khách. “Vì ngại đi xa nên nhiều gia đình quanh Hà Nội vẫn đặt phòng gia đình 1 đêm để trải nghiệm cảm giác “ở khách sạn”, thế nên túc tắc tôi vẫn có khách. Tối 28/4, khách sạn còn nhận được 12 yêu cầu đặt phòng. Nhưng chưa đầy 1 ngày sau đó, toàn bộ yêu cầu này bị hủy do thông tin về ca lây nhiễm trong cộng đồng được công bố khiến chúng tôi trở tay không kịp", ông chủ khách sạn buồn bã than.
Tác động của COVID-19 khiến hàng loạt khách sạn ở Hà Nội khốn đốn trong suốt hơn 1 năm qua.
Không may mắn vì có nhà vườn ở quê để kinh doanh cầm cự, anh G – chủ khách sạn Focus Hà Nội - đã phải trả mặt bằng, thông báo đóng cửa khách sạn ngay từ khi bùng phát đợt dịch lần này. Sau 1 năm vay mượn khắp nơi để chống đỡ, khách sạn của anh G. đã phải đóng cửa hoàn toàn vì không có doanh thu cũng không thể kham nổi khoản tiền thuê nhà trên phố đắt đỏ.
Giám đốc kinh doanh một khách sạn lớn ở TP.HCM cho biết, để duy trì kinh doanh trong thời điểm dịch bệnh, khách sạn phải chuyển sang mảng thực phẩm trước kia vốn không phải trọng tâm. Tuy nhiên, 3 ngày gần đây, dịch vụ này cũng ế ẩm, không một bóng người.
Anh Đỗ Việt Hùng, lễ tân một khách sạn tại SaPa tâm sự: Ngay khi COVID-19 xuất hiện, khách sạn đã cho toàn bộ nhân viên dọn phòng, bảo vệ, nhân viên phục vụ, kế toán nghỉ việc, chỉ giữ lại 2 nhân viên lễ tân luân phiên làm việc. Nếu như ca sáng Hùng đứng quầy lễ tân và lo sổ sách thì bạn nhân viên còn lại sẽ lau dọn sảnh và các phòng của khách sạn để duy trì khách sạn luôn sạch sẽ, sẵn sàng đón khách và đến ca chiều thì 2 bạn lại đổi công việc cho nhau.
“Từ một nhân viên lễ tân chỉ làm công việc hướng dẫn và giao tiếp với khách hàng, nay phải làm đủ việc từ làm sổ sách giấy tờ đến lau dọn, dắt xe. Nếu tình hình dịch bệnh không cải thiện, chúng tôi còn có nguy cơ tạm nghỉ việc. Vì không có khách, ông chủ muốn đóng cửa để cắt giảm chi phí”, anh Hùng buồn bã chia sẻ.
Nhà hàng khốn đốn xử lý thực phẩm vì “ế khách”
COVID-19 bất ngờ ập đến khiến các nhà hàng kinh doanh ẩm thực trở tay không kịp khi không thể xử lý lượng lớn thực phẩm tươi sống do khách hàng hủy đơn. Chủ nhiều nhà hàng ở Hà Nội cho biết, dự đoán dịp 30/4 - 1/5 sẽ đông khách, họ đã "ôm" nhiều thực phẩm, sẵn sàng thực đơn phục vụ khách. Nhưng, tình hình xoay chiều khiến giờ họ phải "dở khóc, dở cười".
Mở nhà hàng được 6 tháng đã phải hứng chịu tới 2 đợt bùng dịch, nhà hàng Trạng Nguyên (quận Hà Đông, Hà Nội) chịu thiệt hại rất nặng nề. Được khai trương trước dịp Tết Nguyên đán 1 tháng với kế hoạch phục vụ khách liên hoan dịp cuối năm, tất niên nhưng cũng chưa đầy 1 tháng mở cửa, nhà hàng không những không phục vụ được đoàn khách nào mà còn bị tạm đóng cửa vì dịch bệnh. Khi đợt bùng dịch thứ 3 vừa kết thúc, nhà hàng nhanh chóng trở lại hoạt động với hàng loạt chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách. Trước dịp lễ 30/4, 1/5 nhà hàng nhận được gần 100 đơn đặt bàn cho hội nhóm liên hoan, gia đình, cá nhân. Thế nhưng, một lần nữa, nhà hàng phải "cửa đóng then cài" đúng dịp cao điểm.
Tâm sự với PV khi vừa phải đóng cửa hàng vào sáng 6/5, chị Thanh Ngọc – quản lý nhà hàng Trạng Nguyên lo lắng nói: "Để chuẩn bị cho lượng khách hàng đến vào dịp lễ, chúng tôi nhập gần 100 triệu đồng tiền thực phẩm tươi sống. Khi khách hủy đơn do tình hình dịch bệnh, chúng tôi không thể làm khó khách hàng, nhanh chóng trả lại tất cả tiền đặt cọc để giữ khách cho những lần sau, còn số thực phẩm đã nhập thì chúng tôi lại không thể trả. Hiện số thực phẩm tươi sống quá lớn, chúng tôi phải chia cho mỗi nhân viên 1 ít để mang về quê tiêu thụ. Ngoài ra, từ quản lý cho tới chủ cửa hàng phải đi gõ cửa từng nhà hàng còn hoạt động nhờ mua lại với giá rẻ, nhà hàng quen cũng có mà bí quá thì cứ nhà hàng nào còn mở cửa chúng tôi đều đến mời chào. Một mặt khác, chúng tôi vẫn chế biến những món đặc sản của nhà hàng, đăng bán online cho khách mua mang về, vớt vát được đồng nào đỡ đồng đó”.
Chị Ngọc cho biết thêm, hiện nhà hàng của chị phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ dịch về quê và chỉ có thể ứng trước ít tiền lương làm lộ phí đi đường.
Nhà hàng Trạng Nguyên được trang hoàng sạch sẽ, tuân thủ quy định giãn cách nhưng không một bóng khách.
Cả nhà hàng trống trơn, hai nhân viên buồn rầu chờ khách đến. Vài ngày sau khi COVID-19 tái bùng phát, nhà hàng này tạm thời phải đóng cửa, chuyển sang bán online.
Tương tự, quán bia của anh Đ.T.T trên đường Thái Hà cũng chật vật với lượng thực phẩm không có khách tiêu thụ. Nhắm trước đợt khách hàng sẽ đông đúc trong dịp nghỉ lễ, anh T. nhập gấp 3 lần lượng thực phẩm thường ngày với đủ loại thực phẩm như: thịt trâu, nem chua, mực tươi…Nhưng ngay khi có thông tin về ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, quán bia của anh gần như đóng cửa do khách hàng hoãn toàn bộ các cuộc liên hoan, hoạt động thể dục thể thao… Lượng thực phẩm tồn đọng lại không thể bảo quản trong thời gian dài, nên vợ của anh T. đã phải mang ra chợ bán mong thu hồi chút vốn.
"Chúng tôi đã cố đẩy mạnh bán hàng online, giao hàng tận nhà, bán hàng mang đi... nhưng cũng không ăn thua. Do tình hình COVID-19 quá phức tạp nên khách nào cũng hạn chế đến nơi công cộng hoặc tiếp xúc người lạ", anh T nói.
Trong khi đó, nhiều nhà hàng nhỏ lẻ không có nhiều không gian để giãn cách khách nay đã chuyển hẳn sang bán đồ mang về hoặc bán online, tuy vậy, hầu hết đều cho biết chỉ hoạt động cầm chừng vì người dân lo lắng kinh tế khó khăn đã thay đổi thói quen mua sắm, chuyển sang thắt chặt chi tiêu.