Ngày 20/5, Thượng tá Trần Trung Quốc, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp xác nhận Cơ quan CSĐT vừa khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Trần Văn Hai (59 tuổi), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Tháp và Nguyễn Thị Lệ Ngọc (39 tuổi), Phó trưởng Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng.
Các bị can bị điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến các gói thầu của Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Giám đốc CDC tỉnh Đồng Tháp bị bắt tạm giam.
Trước đó, qua tiếp nhận kiến nghị khởi tố với vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong mua sắm sinh phẩm, thiết bị y tế của Công ty Việt Á, xảy ra tại tỉnh Đồng Tháp, ngày 21/4, Cơ quan CSĐT đưa vụ việc vào giải quyết theo quy trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố.
Sau khi có đủ căn cứ xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ngày 17/5, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Tháp và các đơn vị, cơ sở y tế khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Đồng Tháp có 10 gói thầu liên quan Công ty Việt Á, tổng giá trị hơn 197 tỷ đồng
Ngày 10/4, UBND tỉnh Đồng Tháp có thông cáo báo chí về kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống COVID-19.
Theo kết quả thanh tra, tổng giá trị hợp đồng mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm của các đơn vị ở Đồng Tháp năm 2020 - 2021 là hơn 742 tỷ đồng. Trong đó, trang thiết bị y tế gần 84 tỷ đồng; vật tư y tế hơn 182 tỷ đồng; sinh phẩm xét nghiệm hơn 305 tỷ đồng và kit xét nghiệm gần 170 tỷ đồng.
Đối với Công ty Việt Á, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã mua sắm 10 gói thầu với giá trị hợp đồng là hơn 233 tỷ đồng. Giá trị thực tế mua sắm hơn 197 tỷ đồng, trong đó đã thanh toán hơn 156 tỷ đồng, còn lại hơn 40 tỷ chưa thanh toán.
Theo kết quả thanh tra thực tế các gói thầu cụ thể, kết quả nhìn chung về hồ sơ, trình tự, thủ tục, giá cả cơ bản được các chủ đầu tư tuân thủ quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mua sắm vẫn còn một số hạn chế. Một vài chủ đầu tư ứng hàng trước khi ký hợp đồng. Việc theo dõi nhập, xuất kho chưa hợp lý; một số hồ sơ dự thầu, trúng thầu thiếu Tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chất lượng đối với các hàng hóa nhập khẩu.
Biên bản bàn giao và nghiệm thu hàng hóa chưa có chữ ký của cán bộ kỹ thuật; đăng tải kế hoạch, kết quả lựa chọn nhà thầu được duyệt chậm hơn thời gian quy định; chưa có hồ sơ bảo hành chứng minh thời hạn sử dụng còn lại của hàng hóa tính từ thời điểm giao hàng và hồ sơ kiểm tra, thử nghiệm hàng hóa được cung cấp để đảm bảo hàng hóa có đặc tính kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của hợp đồng. Thiếu hồ sơ chứng minh xuất xứ, mã ký hiệu, nhãn mác, tính hợp lệ của sản phẩm, hàng hóa…