Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khôi phục kết nối gia đình mới giải quyết được gốc rễ nạn bắt nạt trên mạng

(VTC News) -

Bắt nạt trên mạng là một hệ lụy của thế giới công nghệ, nhưng để giải quyết triệt để thì những giải pháp tốt nhất lại nằm ở thế giới thực.

Theo một thống kê từ UNICEF Việt Nam, bắt nạt trên mạng dường như đã trở thành vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với thanh thiếu niên ở ASEAN: 59% học sinh Thái Lan từng bị bắt nạt trên mạng ít nhất một lần mỗi tháng; 80% học sinh lớp 7 ở Indonesia thỉnh thoảng hoặc thường xuyên bị bắt nạt trên mạng; 39,7% người Malaysia trong độ tuổi 17-30 báo cáo đã bị bắt nạt trên mạng trong 6 tháng gần nhất.

Trong một thống kê khác với khu vực ASEAN, chỉ có 5,26% người được khảo sát cảm thấy an toàn trên mạng, trong khi đó 37,53% lo bị người khác truy cập dữ liệu/thông tin cá nhân; các lo ngại khác liên quan đến việc bị bắt nạt trên mạng, ngôn ngữ thù hằn và bị gửi tài liệu có nội dung tình dục không mong muốn, hay bị “săn mồi” về tình dục.

Đến Việt Nam chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống bắt nạt trên mạng ở Israel, chuyên gia Doron Herman, nhà sáng lập doanh nghiệp giáo dục Safe School Analytic, đã có buổi gặp gỡ và thảo luận với những người có tầm ảnh hưởng trên không gian mạng (KOL) Việt Nam để cùng lan tỏa thông điệp. Tại buổi thảo luận, các khách mời nêu lên nhiều quan điểm đáng chú ý.

Cần khôi phục kết nối trong gia đình

Từ kinh nghiệm tham gia các dự án liên quan đến sản phẩm văn hóa cho thanh thiếu niên, diễn viên Thu Quỳnh cho rằng, để giải quyết vấn đề, bên cạnh việc nâng cao nhận thức về bắt nạt trên mạng thông qua các nền tảng truyền thông xã hội, việc quay lại tập trung vào kết nối giữa các bạn nhỏ và bố mẹ, thầy cô, giữa những người gần gũi nhất trong gia đình là điều rất quan trọng.

“Tôi nghĩ là khi không có sự kết nối này thì các bạn nhỏ sẽ dễ dàng bị bắt nạt ở trên mạng, hoặc dễ bị ảnh hưởng bởi các trào lưu không tốt, dẫn đến hậu quả. Dần dần khi sự mất kết nối càng sâu hơn, việc khắc phục hậu quả sẽ càng khó hơn”.

Các đại diện Việt Nam và Israel trong buổi thảo luận. 

Liên quan đến việc tăng cường kết nối giữa các thế hệ, nhà văn Trang Hạ chia sẻ, trong phần lớn các trường hợp bị bắt nạt, nạn nhân – có thể là các em rất nhỏ tuổi -  thường không lên tiếng. Điều này khiến họ bỏ lỡ cơ hội được giúp đỡ. “Nếu để có một lời khuyên cho các em thì đó là hãy lên tiếng, và các em sẽ nhận ra là mình không hề bị bỏ rơi”.

Xây dựng sự tự tin từ bên trong

Các khách mời đồng tình rằng đứng trước nạn bắt nạt trên mạng, bản thân mỗi người có thể có “cơ chế phòng vệ” ở việc xây dựng niềm tin vào bản thân, đồng thời cởi mở tiếp nhận những đóng góp mang tính xây dựng.

Vlogger Vũ Trung Ninh (Ninh Tito) chia sẻ: “Mình không bao giờ biết được là sẽ gặp phải chuyện đó (bị bắt nạt) lúc nào, nhưng nếu mình biết mình mạnh cái gì và tự tin vào đó thì dù có nhiều lời nói xung quanh, mình cũng sẽ không bị mất phương hướng. Và từ những vấn đề đó, mình cũng có thể tìm thấy cái để cải thiện bản thân”.

Học sinh học trực tuyến. (Ảnh minh họa: VNA)

Ninh Tito cũng cho rằng dù là vấn đề trên mạng, việc giải quyết nạn bắt nạt phải từ đời sống và đặc biệt đến từ giáo dục cho trẻ em, với mỗi cá nhân đều có trách nhiệm thay đổi. 

Đối với các bạn nhỏ thì việc hình thành sự tự tin này, hay việc phân biệt các ý kiến mang tính xây dựng và sự công kích, bắt nạt, sẽ khó khăn hơn, và cần sự đồng hành từ người lớn.

Trước việc bắt nạt trên mạng đang trở thành vấn đề toàn cầu ngày càng mở rộng, ông Herman cùng các khách mời cũng chia sẻ những sáng kiến kết nối để cùng hành động trong tương lai, như Việt hóa các nội dung kĩ năng phòng chống bắt nạt mạng đang được lan tỏa ở Israel để áp dụng ở Việt Nam, hay “đóng gói” các kiến thức và kĩ năng để chia sẻ trên nền tảng số, giúp tiếp cận đến giáo viên và phụ huynh, học sinh. 

Trong hội thảo hôm 20/7 – “Việt Nam và Israel phòng chống bắt nạt trên môi trường mạng” - được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng Đại sứ quán Israel tại Việt Nam đồng tổ chức, các đại biểu đều khẳng định bắt nạt trên mạng đã trở thành một vấn đề xuyên biên giới và có thể gặp với bất cứ ai, không trừ độ tuổi, giới tính nào. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đó, trẻ em trở thành đối tượng dễ bị tổn thương nhất và cần có các biện pháp bảo vệ.

Mang đến hội thảo, chuyên gia Israel Doron Herman, nhà sáng lập doanh nghiệp giáo dục Safe School Analytic, phân tích kinh nghiệm của Israel trong chống bắt nạt trên mạng. Điển hình là các bài giảng kĩ năng chống bắt nạt trực tuyến nhằm hỗ trợ nhà trường giáo dục trẻ em về năng lực cảm xúc xã hội và an toàn trên mạng. Bên cạnh đó là đường dây nóng quốc gia 105 – một cơ quan liên ngành chuyên tiếp nhận câu hỏi và báo cáo từ người dân về hành vi bắt nạt mạng.

Phương Anh

Tin mới