Khả năng chịu tải của máy giặt được biểu thị bằng đơn vị kilogam. Đó là khối lượng đồ tối đa mà máy có thể làm sạch hiệu quả, không lãng phí điện, nước hoặc dư thừa thời gian. Tuy nhiên, khối lượng ghi trên máy giặt là quần áo khô hay quần áo ướt là điều mà rất nhiều người vẫn băn khoăn, thắc mắc.
Con số 7kg, 10kg... trên máy giặt biểu thị khối lượng tối đa quần áo khô mà bạn có thể đưa vào máy cho mỗi lần giặt. Điều này khác với máy sấy, khi khả năng chịu tải được tính bằng khối lượng đồ giặt còn ẩm.
Nếu bạn giặt quá ít đồ so với thông số chịu tải thì sẽ lãng phí điện, nước, còn nếu quá nhiều lại giặt không sạch. Do đó, bạn nên giặt lượng đồ vừa đủ, tốt nhất là khoảng 70% - 80% công suất để việc giặt giũ đạt hiệu quả tối ưu.
Khối lượng trên máy giặt là quần áo khô hay quần áo ướt? Câu trả lời là quần áo khô. (Ảnh: E-Katalog)
Chẳng hạn, nếu máy giặt nhà bạn thuộc loại giặt được 9kg thì bạn chỉ nên cho khoảng 7 - 8kg quần áo vào. Tuyệt đối không giặt nhiều hơn mức tối đa 9kg nhằm tránh tình trạng máy làm việc quá tải, dễ bị hư hỏng và giặt không sạch. Bạn có thể cân hoặc ước lượng quần áo theo chất liệu vải và chiều dài để biết chính xác khối lượng.
Tất cả các máy giặt sẽ có một mực nước tối thiểu. Dù chúng ta cho ít quần áo vào, máy cũng sẽ bơm đủ nước để bắt đầu chạy. Công suất máy càng lớn thì mức nước tối thiểu càng cao. Nếu bạn cho quá ít đồ, quần áo sẽ không được chà xát kỹ trong quá trình giặt và có thể không sạch.
Ngoài ra, khi giặt quần áo, chúng ta không chỉ cần xem xét trọng lượng mà còn phải chú ý đến kích thước. Một số loại vải có thể nở nhiều sau khi ướt, chẳng hạn như đồ len, nên chỉ đưa vào máy một lượng nhỏ, nếu quá nhiều thì máy khó hoạt động bình thường.
Tóm lại, bạn cần nhớ rằng khối lượng trên máy giặt là quần áo khô, quần áo cho vào không nên vượt quá 2/3 chiều cao của lồng giặt, không nên ép quần áo quá chặt để hiệu quả giặt cao hơn.
Tình trạng quá tài (cho nhiều đồ giặt hơn mức khuyến nghị của nhà sản xuất) dẫn đến những hậu quả tai hại sau:
- Phân bổ các vật phẩm trong lồng giặt không chính xác: Điều này gây ra nhiều rung động mạnh trong quá trình quay, thậm chí máy có thể giảm tốc độ hoặc tắt hoàn toàn chế độ vắt. Trong trường hợp này, bạn có thể phải di chuyển những món đồ trong lồng giặt bằng tay hoặc phải lấy ra những chiếc quần áo còn ướt sũng.
- Ảnh hưởng đến động cơ: Khi bạn để đồ giặt quá tải, động cơ phải hoạt động ở tốc độ cao, nóng lên và tuổi thọ của máy giảm xuống.
- Hỏng lồng giặt: Có thể xuất hiện các vết nứt và rò rỉ. Tải trọng lớn sẽ làm tăng tốc độ mài mòn vòng bi, làm hỏng bộ giảm xóc hoặc đứt dây đai.
- Giặt không sạch: Việc nhét quá nhiều đồ vào lồng sẽ khiến chúng được làm sạch không đều, nhiều món đồ vẫn bẩn.
- Quần áo nhanh hỏng: Do quá tải, ma sát giữa những chiếc quần áo cũng như giữa quần áo với thành lồng giặt tăng lên. Quần áo sẽ nhanh phai màu và mất dáng.
Nếu bạn cho vào máy quá ít đồ giặt, trong chu trình vắt, lượng nhỏ quần áo không đủ để phân bố đều khắp lồng giặt, điều này sẽ làm tăng khả năng rung và không tốt cho máy. Vì thế, quần áo cho vào lồng giặt không được ít hơn 20% thể tích lồng.