Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khoe hàng loạt thành tựu kinh tế trong Thông điệp Liên bang có đủ giúp ông Trump đắc cử nhiệm kỳ 2?

(VTC News) -

Giới phân tích tin rằng các thành tựu kinh tế của Mỹ vào thời điểm hiện tại là điểm cộng lớn với Tổng thống Trump trong cuộc đua tới Nhà Trắng đang bước vào hồi gay cấn.

"Ngay sau khi nhậm chức, tôi đã nhanh chóng hồi sinh nền kinh tế Mỹ. Chỉ trong 3 năm ngắn ngủi, chúng tôi đã phá vỡ tâm lý về sự suy tàn của người Mỹ và từ chối việc để vận mệnh Mỹ bị thu hẹp. Chúng tôi đang tiến về phía trước với một tốc độ không thể tưởng tượng chỉ trong một thời gian ngắn và chúng tôi sẽ không dừng lại", nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh trong thông điệp liên bang thứ 3 và cũng là cuối cùng của ông trong nhiệm kỳ này. 

Vị Tổng thống 73 tuổi không quên nêu bật những thành tựu của kinh tế Mỹ trong hơn 3 năm ông lên nắm quyền. Ông nói Mỹ mất đi 60.000 nhà máy dưới 2 chính quyền trước đó, nhưng lại có thêm 12.000 nhà máy khi ông tại vị.

CNN bình luận ông Trump không hề nói quá khi đề cập tới các số liệu thống kê này. 

Theo thống kê, số lượng các cơ sở sản xuất tại Mỹ giảm 61.076 từ năm 2001 dưới thời Tổng thống Bush. Tới thời Tổng thống Obama, con số này tiếp tục giảm 17%. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: CNN)

Tới thời ông Trump, thống kê cho thấy trong khoảng thời gian giữa quý 1 năm 2017 khi ông vừa nhậm chức tới quý 2 năm 2019, số lượng các cơ sở sản xuất tăng 12.074. 

Nối tiếp bài phát biểu, Tổng thống Trump đưa ra một số đề xuất chính sách lớn, đồng thời nhấn mạnh những tiến bộ mà quốc gia đạt được dưới sự quản lý của ông. 

"Đất nước của chúng ta đang hùng mạnh hơn bao giờ hết", ông Trump tuyên bố. 

Ông khẳng định chính quyền của mình đã tạo được thêm 7 triệu việc làm và đưa tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ.

"Điều tuyệt vời là tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong nhiệm kỳ của tôi thấp hơn bất kỳ chính quyền nào trong lịch sử đất nước", ông Trump khẳng định.

Ông chủ Nhà Trắng đối chiếu kỷ lục của mình với Tổng thống Obama, đổ lỗi cho người tiền nhiệm về sự suy giảm lực lượng lao động vốn đã bắt đầu trước khi ông nhậm chức. 

"Tôi cắt giảm số lượng kỷ lục các quy định, ban hành các đợt cắt giảm thuế lịch sử, đấu tranh cho các hiệp định công bằng và đối ứng. Đã có một số sự bùng nổ của lực lượng công nhân", ông Trump nói, chỉ ra rằng thu nhập trung bình của các hộ gia đình gia tăng cũng như tăng trưởng ổn định tới từ thị trường chứng khoán. 

Ông trích dẫn các thành tựu quan trọng trong cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc cũng như việc thông qua dự luật thực thi Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).

Các chuyên gia nói rằng việc ông Trump nhấn mạnh thành tựu kinh tế trong thông điệp lần này là điều đự đoán từ trước bởi đây là thế mạnh lớn nhất mà ông có trong tay để ghi điểm với cử tri khi cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới chỉ còn cách 9 tháng. 

Với nhiều cử tri Mỹ, kinh tế luôn là một trong các vấn đề được họ quan tâm hàng đầu. 

Trong một cuộc thăm dò của PBS NewsHour/NPR/Marist từ tháng 12, các cử tri độc lập nói kinh tế là vấn đề số 1 của họ. 

Theo Gallup, tỷ lệ tín nhiệm của ông Trump chưa bao giờ tăng trên 50%, nhưng các cử tri có xu hướng cho ông thêm điểm vì nền kinh tế khởi sắc.

Phân tích về các cuộc bầu cử trong quá khứ cho thấy một nền kinh tế đang cải thiện, cụ thể là sự gia tăng tổng sản phẩm quốc nội mang lại cho các Tổng thống đương nhiệm một lợi thế khác biệt. 

"Nếu tăng trưởng GDP tăng trên 1 điểm %, đảng đương nhiệm nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử", Lynn Vavreck, giáo sư khoa học chính trị Mỹ cho hay. 

Trong 2 quý vừa qua, tăng trưởng GDP của Mỹ là 2,1%. Dù vậy, nó còn cách khá xa so với mức tăng tưởng 6% mà ông Trump dự đoán trong năm 2017. 

Nhưng các nhà phân tích cho rằng nếu nền kinh tế tiếp tục cải thiện như trong vài năm qua, đó có thể là điềm lành cho triển vọng tái đắc cử của vị Tổng thống đương nhiệm. 

Mặc dù vậy, vẫn còn một số điểm yếu với nền kinh tế hiện tại. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà ông Trump khơi mào kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Mỹ và toàn cầu. 

Một số nhà kinh tế cảnh báo việc cắt giảm thuế của đảng Cộng hòa năm 2017, quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang và tăng chi tiêu chính phủ chỉ làm cho các chỉ số tăng trưởng kinh tế "màu hồng" hơn thực tế. 

Khi tác động của các biện pháp đó mất đi, sự mở rộng nền kinh tế Mỹ có thể sẽ chậm lại, thậm chí chấm dứt. Chính những điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái vào năm ngoái dù các nhà đầu tư đã loại bỏ hầu hết những lo ngại đó khi họ bước vào năm 2020.

Các nhà phân tích không nắm chính xác lý do tại sao các cử tri có xu hướng bỏ phiếu cho một tổng thống đương nhiệm khi nền kinh tế đang phát triển. Các giả thiết có thể là họ muốn khen thưởng cho nhà lãnh đạo của mình để ông tiếp tục phát huy đà tăng trưởng đó trong nhiệm kỳ tới hoặc họ lo sợ một tổng thống mới có thể sẽ phá hỏng bức tranh toàn cảnh đang sáng sủa. 

 

 

 

Song Hy (Nguồn: Pbs )

Tin mới